Theo đánh giá của ngành NN-PTNT Hải Dương, hiếm có năm nào, rau xanh vụ đông vừa được mùa, được giá như năm nay.
Phơi tiền giữa đồng
Về xã Phạm Trấn, vựa rau của huyện Gia Lộc những ngày này, cảnh mua bán nông sản vẫn diễn ra tấp nập, dù đã cuối vụ. Từng chiếc xe máy thồ, xe tải lùi vào tận ruộng để thu mua bắp cải.
Bà Nguyễn Thị Bến, thôn Côi Hạ cho biết, năm nay gia đình trúng lớn ruộng bắp cải hơn 2 mẫu. Sau Tết nguyên đán, khi những trận mưa to qua đi, cũng là lúc ruộng bắp cải được thu hoạch.
Bắp cải được các thương lái thu mua tận ruộng, giá trung bình 6,5 nghìn đồng/bắp (không tính theo cân). Mỗi sào bắp cải, bà Bến thu được 8,5 triệu đồng. Trừ mọi chi phí, khoảng 2 triệu đồng, gia đình vẫn bỏ túi 6,5 triệu đồng/sào.
Bà Bến nhẩm tính, từ sau Tết, gia đình đã bán được hơn 100 triệu đồng tiền bắp cải. Hiện còn 9 sào ở cánh đồng kế bên, dự kiến 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Tuy nhiên, thương lái đã tới tận ruộng đặt tiền mua toàn bộ, trung bình 6,5 nghìn đồng/bắp, tương đương 50 triệu đồng.
Không chỉ bắp cải, người trồng su hào ở Phạm Trấn cũng hồ hởi không kém. Ông Nguyễn Văn Doanh cho biết, tuy nhà trồng hơn 1 sào su hào, nhưng cũng gọi là “ăn đủ”. Đứng giữa cánh đồng trò chuyện, thoạt lúc, ông Doanh lại nghe điện thoại rồi đáp “Thương lái họ đặt mua rồi, 5 nghìn 1 củ, chú mua được thì mua”, rồi cúp máy.
Theo ông Doanh, thương lái đã về tận ruộng đặt mua su hào với giá 5 nghìn đồng/củ, loại 3 lạng. Tính ra, giá su hào tại ruộng khoảng 16 nghìn đồng/kg. Ông Doanh tính toán, một sào su hào thu về 20 triệu đồng, chi phí 2 triệu đồng.
Một năm hiếm có của giá rau
Ông Đào Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã Phạm Trấn cho biết, người dân nơi đây bao năm vẫn bám lấy ruộng vườn để sản xuất. Toàn xã có 370ha đất nông nghiệp thì có tới 250ha dành để trồng rau màu, 100ha nuôi trồng thủy sản.
Cũng theo ông Quyết, ngay sau vụ cải bắp, su hào, tới đây người dân sẽ cải tạo đất để trồng bầu, bí, cà pháo… để bán vào dịp hè.
Theo đánh giá, vụ đông năm nay được cả mùa lẫn giá, hiếm có trong vòng 5 năm trở lại đây. Với diện tích lớn bắp cải, su hào, hầu hết được các thương lái xuống tiền thu mua non cả tháng trước thời điểm thu hoạch.
Đặc biệt, với vùng trồng cà rốt (chủ yếu tại huyện Cẩm Giàng), diện tích chưa thu hoạch còn khoảng 30%. Tuy nhiên, ông Nghiệp khẳng định, số này cũng đã được các doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến trả tiền đặt mua cho người dân. Thời điểm này, cà rốt không phải chăm sóc gì nhiều nên người dân cũng yên tâm, chờ ngày thu hoạch.
Lý giải về sự hiếm có này, ông Nghiệp cho rằng, mọi thứ đều do thị trường điều tiết, không ai can thiệp để hạ hay nâng giá rau được. Thời điểm thu hoạch, ngay khi dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) bùng phát ở Trung Quốc. Nhiều người tỏ ra lo lắng, bởi đường xuất khẩu sẽ gặp khó khăn.
Tuy nhiên, thời gian đã chứng minh điều ngược lại. Cũng chính bởi dịch bệnh, rau, quả Trung Quốc khan hiếm, không xuất sang Việt Nam nên giá rau trong nước bỗng chốc tăng cao. “Một phần do mưa to, mưa đá, nhiều vùng rau bị thiệt hại nên việc khan hàng là thực tế, không có “bàn tay” nào tham gia thổi giá như nhiều người nghĩ”, ông Nghiệp chia sẻ.
Tổng hợp (Nguồn: nongnghiep.vn)
CẬP NHẬT NHIỀU TIN TỨC MỚI NHẤT TẠI ĐÂY