Nuôi heo đen kết hợp với trồng bưởi da xanh – đó là mô hình phát triển kinh tế hộ của anh Lê Văn Hoàng (42 tuổi, xã Ðinh Trang Thượng, Di Linh) đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Báo Lâm Đồng điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân tỉnh Lâm Đồng
Trồng bưởi da xanh kết hợp với nuôi heo đen – đó là mô hình phát triển kinh tế hộ của anh Lê Văn Hoàng (42 tuổi, xã Ðinh Trang Thượng, Di Linh) đem lại lợi nhuận kinh tế cao.
Thu nhập từ vườn trái cây và đàn heo đen mỗi năm mang lại hơn 1 tỷ đồng cho gia đình anh Lê Văn Hoàng. Anh tâm sự, năm 1998, vợ chồng tôi rời quê hương Quảng Nam để vào đây lập nghiệp. Tích góp được khoản vốn mua được 6 ha đất để trồng cây cà phê nhưng sau vài năm, thời “hoàng kim” cây cà phê không còn vì giá cả ngày càng giảm, lợi nhuận đem lại thấp. Vì vậy, gia đình tôi đã tìm tòi và thử nghiệm trồng xen cây ăn trái như bơ, sầu riêng, vú sữa và đặc biệt là bưởi da xanh trong vườn nhà với mong muốn tạo nguồn thu nhập cho gia đình theo hướng tích cực.
Ý Tưởng Nuôi Heo Đen Trong Vườn Bưởi
Được bạn bè có kinh nghiệm trong lĩnh vực cây ăn trái tư vấn, năm 2011 anh Hoàng trồng thử nghiệm 100 cây giống bưởi da xanh trên diện tích 3 sào đất vườn, sau hơn 3 năm chăm sóc cuối cùng những quả ngọt đầu tiên mang lại lợi nhuận kinh tế. Anh Hoàng chia sẻ: “Nhận thấy bưởi da xanh đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, tôi và vợ bàn nhau phá cà phê để mở rộng diện tích trồng bưởi, với 100 cây giống ban đầu tôi đã nhân giống trồng được 1.200 cây trên diện tích 4 ha”.
Để vườn cây trái xanh tốt, anh Hoàng dành ra nhiều thời gian, công sức cải tạo nền đất, đào ao để tích nước phục vụ cây trồng vào những ngày khô và thoát nước mùa mưa. Nhờ đó, sau một thời gian dày công chăm sóc, vườn cây ăn trái của gia đình anh Hoàng phát triển tốt và cho năng suất cao. Giờ đây, anh Hoàng đã nắm vững mọi kỹ thuật để chăm sóc vườn bưởi tươi tốt. Điều đặc biệt là bằng kỹ thuật của mình, anh Hoàng có thể “điều khiển” vườn bưởi ra trái quanh năm, do vậy mùa nào vườn nhà anh cũng có trái để bán.
Tiết Kiệm Chi Phí Thu Lợi Nhuận Cao
Giá bán trung bình 35.000 đồng một kg thu mua tại vườn, với diện tích trên, theo tính toán của anh Hoàng, chỉ trong vòng 3 năm tới, bình quân một cây bưởi thu hoạch khoảng 1 tạ thì với 1.200 cây lợi nhuận thu về cho gia đình khoảng hơn 3 tỷ đồng. Hiện tại, với 300 cây bưởi đang cho thu hoạch mỗi năm gia đình anh bỏ túi 800 triệu đồng. Ngoài ra, những loại cây khác như: bơ, sầu riêng, cà phê cũng cho thu nhập hơn 600 triệu đồng. Vấn đề sử dụng phân bón cho cây trồng cũng là trăn trở của gia đình anh Hoàng.
Sau nhiều lần suy nghĩ anh quyết định đầu tư nuôi heo rừng lai thả vườn dưới tán cây bưởi, vừa lấy nguồn phân bón cho bưởi vừa đem lại một phần thu nhập. Theo anh Hoàng, việc nuôi heo rừng lai theo hướng an toàn thực phẩm có nhiều điểm tương đồng với chăn thả truyền thống, heo đen được thả tự do trong không gian rộng rãi của diện tích đất. Vì vậy, ngoài các loại thức ăn chính như bắp, chuối và cám bắp, gạo thì heo tự kiếm thêm thức ăn để bổ sung dinh dưỡng.
Lợi Nhuận Kinh Tế
Nhờ chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật và tuân thủ các biện pháp vệ sinh môi trường, xử lý chuồng trại cũng như phòng bệnh nên lứa heo cũng lớn nhanh và ít khi bị nhiễm dịch bệnh. Lợi nhuận thu về từ nuôi heo đen, gia đình anh Hoàng tiếp tục phát triển, nhân rộng lứa heo giống. Với 50 con heo rừng lai bao gồm heo mẹ và heo con, lợi nhuận thu về hàng năm là 150 triệu đồng.
Hiện tại, anh Lê Văn Hoàng đang làm Tổ trưởng Tổ hợp tác trái cây VietGAP xã Đinh Trang Thượng với 6 thành viên, mục tiêu là thành lập Hợp tác xã trái cây cho những năm tháng sau này. “Tôi không ngại chia sẻ nguồn giống chất lượng, kinh nghiệm sản xuất để mọi người phát triển. Càng nhiều người trồng khi sản lượng nhiều mình sẽ có thị trường lớn hơn, để từ đó khẳng định được thương hiệu trái cây của địa phương”, anh Hoàng tâm sự.
Phát triển quy mô nuôi heo đen
Ông Đặng Văn Khá – Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh cho biết: “Mô hình trồng bưởi kết hợp nuôi heo rừng lai của anh Lê Văn Hoàng là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Nhiều nông dân trong xã, huyện tới đây tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm phát triển.
Từ đó, duy trì bền vững và mở rộng các vùng sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm cây ăn quả của địa phương. Trong thời gian tới, huyện khuyến khích anh Hoàng hợp tác trồng, thành lập HTX sản xuất trái cây theo hướng hàng hóa tập trung, bảo đảm phát triển bền vững, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả”.
Theo THU HIỀN – PHONG VÂN
Nguồn: tintuclamdong.com
Bà con xem thêm những thông tin mới nhất TẠI ĐÂY