Đau đầu với tình hình bọ trĩ
Bọ trĩ hại xoài là dịch hại làm giảm giá trị thương phẩm. Khi bọ trĩ chích hút ở mặt dưới lá sẽ làm lá xoài phát triển không bình thường, cong queo, hai mép cúp xuống. Còn trên bông làm bông héo, khô rồi rụng hàng loạt. Nếu xảy ra trên trái sẽ làm trái bị xì mủ hoặc da sần sùi, nám (hay còn gọi là da cám), giá trị thương phẩm quả xoài giảm, không xuất khẩu được.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Cam Lâm, toàn huyện hiện có trên 5.000ha xoài, tập trung chủ yếu tại các xã Cam Hải Tây, Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam và thị trấn Cam Đức…Trước đây vùng xoài nơi đây nông dân chủ yếu trồng giống xoài canh nông (giống địa phương). Tuy nhiên những năm gần đây, do xoài Úc có giá trị kinh tế cao nên nông dân đã chuyển đổi dần sang giống xoài này bằng cách trồng mới hoặc ghép nêm đọt trên gốc giống xoài Canh nông, giúp cây “cải lão hoàn đồng”, tăng năng suất, thu nhập trong những vụ tới.
“Do đó hiện nay diện tích xoài Úc toàn huyện đã lên đến trên 3.000/5.000ha”, lãnh đạo phòng NN-PTNT huyện Cam Lâm chia sẻ. Ghi nhận thực tế tại các vườn xoài trong huyện, nhiều nông dân cho rằng trồng xoài bây giờ ngày càng khó, nếu không muốn nói là “trầy da tróc vảy” mới có xoài thu hoạch. Bởi chỉ cần nông dân lơ là chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nhất là bọ trĩ hại xoài thì vụ xoài xem như mất trắng.
Ông Phan Đông Bình, một nông dân trồng xoài ở tổ dân phố Bãi Giếng 1, thị trấn Cam Đức cho biết, bọ trĩ hại xoài xuất hiện gần 10 năm nay và tùy vào từng năm mà gây hại nặng nhẹ.
Thông thường bọ trĩ hại xoài thường xuất hiện vào tháng Chạp hay tháng Giêng Âm lịch (tức tháng 1 – 2 Dương lịch) lúc xoài đang thời kỳ ra bông tự nhiên. Giai đoạn này nếu vườn nào “dính” bọ trĩ gây hại sẽ làm bông héo, khô rồi rụng hàng loạt. Còn xảy ra trên trái sẽ làm da trái sần sùi, giá trị thương phẩm giảm, không xuất khẩu được.
Bọ trĩ hại xoài và biện pháp khắc phục
Theo các nông dân trồng xoài trong huyện Cam Lâm, năm nay mật độ bọ trĩ gây hại ít hơn. Tuy nhiên nhiều vườn cũng bị ảnh hưởng lớn. Như vườn xoài nhà ông Trần Văn Tuấn, ở xã Cam Hiệp Bắc với gần 1 ha xoài Úc và Canh nông năm nay số cây đậu quả với tỷ thấp bằng 30% so với năm ngoái, vì trước đó bị ảnh hưởng của bọ trĩ tấn công.
Ông Tuấn cho biết, mặc dù gia đình vẫn sử dùng thuốc đặc trị bọ trĩ như mọi khi nhưng lần này thấy xịt không hiệu quả.
Về vấn đề này, Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật Khánh Hòa, cũng nhìn nhận thực tế hiện nay một số nhà vườn xoài ở khu vực các xã Cam Hiệp Nam, Cam Hiệp Bắc, Cam Đức phòng trị bọ trĩ không có hiệu quả do hiện tượng kháng thuốc và điều kiện thời tiết thuận lợi cho bọ trĩ gây hại.
Theo Chi cục Trồng trọt- Bảo vệ thực vật tỉnh, tình hình sâu bệnh năm nay trên xoài cũng như mọi năm và nặng nhất là bị bọ trĩ gây hại mật độ 10 – 20 con/bông T3 – T4, với diện tích khoảng 100ha, ở giai đoạn đang ra hoa và trái non.
Ông Trần Thiện Hùng, Phó Chi cục trưởng cho biết, cây xoài Cam Lâm đa số đang giai đoạn trái non (cỡ bằng trái trứng gà), lúc này bọ trĩ gây hại không lớn. Tuy nhiên để phòng trừ bọ trĩ hiệu quả, trước đó cần tỉa cành cho thông thoáng để ánh sáng xâm nhập đều vào bên trong tán cây, tạo môi trường bất lợi nhằm hạn chế sự phát triển của bọ trĩ. Vì bọ trĩ nhạy cảm với ánh sáng. Bên cạnh đó nếu có thể, bà con thường xuyên dùng vòi phun áp lực cao phun nước lên cây để làm giảm mật độ bọ trĩ.
Ông Hùng lưu ý, vào giai đoạn xoài đang ra lá non, chồi, hoa, trái non… nếu mật độ bọ trĩ cao, bà con có thể luân phiên sử dụng các loại thuốc sau: Dầu khoáng SK Enspray 99EC (có thể dùng đơn hay phối với nhau), Abakill 1.8EC, 3.6EC, Reasgant 3.6EC, Vibamec 5.55EC, Confitin 36 EC…
Đặc biệt, để tránh hiện tượng kháng thuốc nên luân phiên các loại thuốc hoá học có gốc khác nhau, có thể sử dụng thuốc liên tiếp 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 7 – 10 ngày. Nếu xoài đang ra bông nên hạn chế phun thuốc, nếu thật cần thiết thì phun vào sáng sớm hoặc chiều mát.
Kim Sơ (Báo Nông Nghiệp Việt Nam)