Gần đây trên Mạng xã hội lan truyền một video về sầu riêng không gai, dẫn đến nhiều tranh cãi. Một số nông dân cho rằng đó là chiêu trò lừa đảo của nhà vườn bán giống, một số bà con lại cho rằng đó là giống mới, giống đột biến.
Vậy thực hư sầu riêng không gai ra sao?
Vinasa xin dẫn link từ tờ báo uy tín VNEXPRESS viết ngày 27/04/2020 về sầu riêng không gai, mời bà con tham khảo!
“Các nhà thực vật học vẫn không thể trồng thành công sầu riêng không gai cực hiếm bất chấp nỗ lực ghép cành suốt nhiều năm qua.
Sầu riêng không gai được phát hiện cách đây hơn một thập kỷ ở Indonesia. Các nhà khoa học không thể giải thích tại sao loại quả này lại tồn tại. Theo nhà thực vật học Gregori Garnadi Hambali, đây có thể là kết quả đột biến tự nhiên hoặc gene lặn. “Tỷ lệ xuất hiện sầu riêng không gai rất thấp, chỉ khoảng 1/1.000.000 cây”, Hambali, người làm việc tại Mekarsari Fruit Garden, trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học ở thành phố Bogor, phía nam Jakarta, Indonesia.
Quả sầu riêng không có gai đầu tiên được ghi nhận năm 2007 trên đảo Lombok ở phía đông Bali.
Một quả sầu riêng trơn nhẵn mọc trên cây trong sân nhà dân làng ở sườn núi Rinjani cùng với những quả thông thường có gai. Lúc đầu, gia đình chủ nhà sợ ăn quả sầu riêng vì lo nó có độc. Vào mùa sau, khi cây lại ra quả sầu riêng không gai khác, con trai chủ nhà quyết định nếm thử và phát hiện nó có mùi vị giống như sầu riêng bình thường.
Sau khi nghe báo cáo, cán bộ nông nghiệp địa phương tới kiểm tra cây và cắt cành. Họ ghép cành cho một cây sầu riêng ở sân cơ quan với hy vọng nó sẽ mọc thêm nhiều quả lạ. Nhưng cơ quan nông nghiệp mất tới 12 năm cùng với nhiều nỗ lực ghép cành để đạt kết quả như mong muốn. “Trong số 50 cây, cuối cùng một cây đã cho quả sầu riêng không gai. Mọi người không còn nói sầu riêng không gai là giả nữa”, Maisin, trưởng phòng kiểm định và chứng nhận hạt giống ở tỉnh Tây Nusa Tenggara cho biết.
Maisin giải thích chỉ 2% hoa nở trên cây đó kết thành sầu riêng không gai. Số hoa còn lại khô héo và chết mà không ra quả. Sầu riêng không gai dường như chỉ ra đời khi hoa đực và hoa cái của cây ở gần nhau, bằng chứng cho thấy đây là kết quả của gene lặn.
Từ 50 cây ghép vào năm 2007, sở nông nghiệp tỉnh đã tạo ra hơn 23.000 cây con.
Nhiều cây được chuyển tới các tỉnh khác để ươm trồng, nhưng không có quả nào mọc trên số cây con đó là sầu riêng không gai.
Nhóm chuyên gia ở Mekarsari Fruit Garden cũng tìm cách ghép cây ở trung tâm. Năm 2019, họ trồng 1.000 cây con. Mekarsari cũng bán cây con cho người dân, nhưng chỉ có 3 cây mọc thành công trong khuôn viên trung tâm và không cây nào cho quả sầu riêng không gai. Khoa nông nghiệp của Đại học Mataram cũng tìm cách nhân giống quả sầu riêng trơn nhẵn nhưng thất bại trong 4 năm liền. Mọi tổ chức từng thử phương pháp ghép cành để tạo ra sầu riêng không gai đang cố gắng tìm hiểu bản chất hiện tượng.
“Nếu đặc điểm không gai là do di truyền, chúng tôi có thể sản xuất hàng loạt quả với phương pháp nuôi cấy mô. Nhưng nếu đó chỉ là một đột biến, chúng tôi không thể làm gì”, Muhammad Sarjan, giáo sư ở Đại học Mataram, cho biết.
An Khang (Theo SCMP)”
Bà con tham khảo, cần thông tin thêm có thể để lại số điện thoại hoặc liên hệ Fanpage https://www.facebook.com/Vinasa.AgriTech nhé ạ!