Từ xưa, ông bà ta thường nghĩ rằng trồng cỏ trong vườn cây ăn trái sẽ cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng và làm đất mất dinh dưỡng. Nhưng theo nhiều kiến thức mới ngày này, quản lý có dại phù hợp có thể giúp tăng năng suất cây ăn trái và giảm chi phí chăm sóc cho nhà vườn rất lớn.
Vì vậy, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cách trồng cỏ trong vườn cây ăn trái như thế nào là đúng cách trong bài viết dưới đây.
1. Có nên để cỏ trong vườn cây ăn trái?
Từ lâu đến nay khi nhắc đến cỏ vườn chúng ta thường hay nghĩ rằng cỏ là cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng trong vườn. Nếu cỏ quá tốt sẽ lấy đi hết chất dinh dưỡng trong đất, làm cho cây trồng của chúng ta không hấp thụ được hết lượng phân bón mà chúng ta đã bón xuống cho cây.
Nhưng thật ra cỏ dại là một phần không thể thiếu trong tự nhiên. Chúng còn là chỉ số đánh giá đất nơi đó như thế nào, nếu cỏ mọc nhiều chứng tỏ rằng đất nơi đó tốt ta có thể trồng cây. Nếu ta biết tận dụng lợi ích của chúng vào mục đích nông nghiệp thì đây hẳn là một điều tuyệt vời.
Những lợi ích của trồng cỏ trong vườn cây ăn trái: Cỏ dại có ích trong vườn
- Cỏ dại có thể dùng để che phủ hoặc là nơi ở của sinh vật có lợi nào đó trong vườn.
- Nhiều loại có dại có thể là thức ăn của các loài động vật, hoặc đôi khi là dược liệu giúp con người chữa bệnh.
- Cỏ dại bám đất có thể hỗ trợ chống xói mòn đất.
- Để cỏ trong vườn cây ăn trái có tác dụng che phủ giữ ẩm trong mùa nắng hạn chế thoát hơi nước. Và chống xói mòn trong mùa mưa.
- Cỏ dại giúp bộ rễ của cây có múi hô hấp và hấp thụ dinh dưỡng một cách dễ dàng.
- Một số cỏ dại thuộc họ đậu là nguồn bổ sung đạm tự nhiên cho cây trồng.
- Để cỏ trong vườn cây ăn trái giúp tuổi thọ của cây cao hơn. Đất ít bị chai hóa hơn khi vườn không có cỏ.
2. Nên trồng cỏ trong vườn cây ăn trái như thế nào?
Nếu bạn muốn để cỏ trong khi trước đây luôn làm sạch cỏ để tránh cạnh tranh dinh dưỡng thì sẽ gặp khó khăn ở thời gian đầu. Trong 6 – 7 tháng đầu muốn cỏ phát triển được buộc bạn phải đầu tư phân bón cho cỏ nếu không chúng sẽ cạnh tranh và làm cây phát triển chậm lại.
Sau khi vượt qua thời gian này mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản hơn. Khi cỏ phát triển đủ lớn, chúng ta phát cỏ, dinh dưỡng từ thân cỏ nằm lại trong đất sẽ nuôi dưỡng những lứa cỏ tiếp theo mà không cần bổ sung thêm phân bón. Chúng sẽ tự vận hành và liên tục bổ sung thêm nhiều chất hữu cơ giúp cải tạo đất.
3. Một số loại cỏ dại có ích trong vườn cây ăn trái nên trồng
a. Cỏ lạc dại (Arachis pintoi)
Là cây cỏ họ đậu có khả năng cộng sinh với vi khuẩn cố định đạm. Từ nitơ có trong không khí. Chúng phát triển sinh khối (thân, lá) nhanh, giữ ẩm và làm giàu mùn cho đất. Lạc dại chịu được đất nghèo dinh dưỡng và những điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên có thể trồng ở nhiều vùng khác nhau. Có thể trồng kèm dưới gốc cây ăn trái, cây công nghiệp lâu năm trồng bắp trên đất dốc.
Rễ cây Cỏ Lạc thường xuất hiện nhiều nốt sần. Nhờ vậy, các loại vi sinh vật cũng tăng nhiều hơn dưới lớp thảm cỏ lạc. Theo thống kê, số lượng vi sinh vật cố định đạm có xu hướng tăng lên khoảng 200%. Vi sinh vật phân giải cellulose tăng lên khoảng hơn 138%. Hay Vi sinh vật phân giải lân tăng hơn 600%. Các loại sinh vật này làm giàu cho đất, giúp đất tơi xốp hơn.
b. Cỏ xuyến chi (đơn buốt)
Là một loài cây cỏ bụi mọc ở các vùng đồng cỏ, đất hoang. Cây xuyến chi phân bố đều khắp các vùng ấm trên thế giới. Ở nước ta, xuyến chi phân bố khắp các tỉnh thành, ở những bãi đất trống, ven đường, ven mương, đồng cỏ.
Cũng như các loại cây cỏ cải tạo đất khác, xuyến chi giúp đất giữ ẩm, tơi xốp, khi cắt tỉa bổ sung nguồn hữu cơ cho đất. Đặc biệt là thu hút các loài côn trùng như ong bướm. Và còn là một trong những vị thuốc dân gian được dùng nhiều. Do đó, xuyến chi rất thích hợp khi giữ trong vườn.
c. Cây cỏ muồng vàng
Muồng vàng là một loài cây họ đậu, cây thân bụi mềm, cao khoảng 1~1,5m. Muồng vàng mọc hoang ở nhiều nơi trên cả nước, thường mọc ven đường đi, bờ sông, đất hoang.
Muồng vàng phát triển nhanh cho sinh khối lớn, lượng sinh khối phân xanh sau khi được cày vùi vào đất hoặc phủ mặt giúp giữ ẩm, tăng hàm lượng hữu cơ cho đất, cải tạo nền đất rất tốt. Rễ cây muồng vàng có vi sinh vật cố định đạm cộng sinh giúp bổ sung đạm nitơ tự nhiên cho đất và cây trồng chính.
Nếu trồng với mật độ dày sẽ giúp che phủ bảo vệ đất, chống xói mòn, rửa trôi các chất hữu cơ và dinh dưỡng ở tầng đất mặt. Đồng thời cây có tán cao nên lấn át được các loại cỏ dại không mong muốn.
d. Cây cỏ bản địa
Đối với các vườn trồng cây ăn trái thì chúng ta nên ưu tiên các loại cây cỏ bản địa mọc tự nhiên trong vườn. Mỗi vùng miền, mỗi loại đất sẽ có một loại cỏ mọc. Các loại có này sẽ xuất hiện và phát triển tùy từng nền đất.
Các loại cỏ này sẽ có những đặc tính sinh trưởng phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng từng vùng miền. Vậy nên khi giữ cỏ hãy ưu tiên giữ các loại cỏ bản địa.
Việc sử dụng các loại cây cỏ có ích cho việc cải tạo đất sẽ là phương pháp hữu hiệu để tăng chất lượng đất trồng và bảo vệ hệ vi sinh trong đất. Muốn tăng độ phì nhiêu của đất và thu được năng suất cao, ổn định, cần phải hiểu rõ đặc tính của từng loại cây trồng có ích và tình trạng đất để tận dụng tối đa tác dụng của chúng.
Xem thêm: Kỹ thuật cắt tỉa cành Cà phê sau thu hoạch
Xem thêm: Thuốc kích thích sinh trưởng dùng để tăng năng suất cây trồng