UBND tỉnh Vĩnh Long vừa phối hợp Cục Bảo vệ thực vật công bố khoai lang xuất khẩu chuyến hàng đầu tiên sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, tạo niềm phấn khởi cho người nông dân. Tuy nhiên, để được xuất khẩu theo hướng bền vững, ngành chức năng cần phối hợp người dân để nâng cao chất lượng khoai và tránh tình trạng giá cả còn bấp bênh.
Sau nhiều năm đàm phán giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc, ngày 22/11/2022, Nghị định thư xuất khẩu khoai lang chính ngạch sang Trung Quốc được ký.
Khoai lang xuất khẩu là một trong những sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Vĩnh Long nói chung, huyện Bình Tân nói riêng. Vào những ngày này, đi qua những cánh đồng khoai lang của Bình Tân, thấy không khí trở nên tất bật hơn những năm trước. Nhiều ruộng khoai chuẩn bị thu hoạch để được xuất khẩu với giá cả khá cao, nông dân cầm chắc phần lời. Anh Nguyễn Văn Phát ở xã Tân Thành, huyện Bình Tân là một trong những người mạnh dạn xuống giống ruộng khoai của mình khi giá giống khoai lang đang cao kỷ lục.
Đến nay, chỉ tính riêng phần bán giống, anh đã hoàn vốn. Anh phấn khởi cho biết: “Gia đình trồng được 8 công khoai lang, chỉ còn khoảng một tuần nữa là đến ngày thu hoạch. Do khoai lang xuất khẩu chính ngạnh nên giá cả nhích lên từng ngày, ruộng khoai của tôi năm nay lời chắc. Nhờ được xuất khẩu nên người dân trồng khoai nơi đây đang nôn nao trồng lại sau hai đến ba năm bị dịch bệnh. Nhiều người thua lỗ mấy năm trước đã cho thuê đất giờ lấy lại để trồng. Chính vì vậy, tiêu chuẩn để được đi xuất khẩu cũng gắt gao hơn nhiều so với trước, từ giống, chăm sóc cho đến sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như thế nào cho đúng hướng dẫn”.
Thống kê diện tích khoai lang xuất khẩu
Chủ tịch UBND xã Tân Thành Nguyễn Hoàng Anh cho biết: Những năm trước khi chưa có dịch, Tân Thành là một trong những xã có diện tích khoai lang xuất khẩu lớn nhất huyện với khoảng 2.400ha. Hiện nay, xã đã được công nhận bảy mã vùng trồng để xuất khẩu với diện tích khoảng 128ha. Ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long cũng đang tiếp tục khảo sát để cấp thêm 16 mã vùng trồng với diện tích khoảng 250ha nữa.
Đây là điều kiện tốt nhất để khoai lang Tân Thành xuất khẩu chính ngạch, giúp nông dân trồng khoai lang xuất khẩu cũng có hướng phát triển ổn định và lâu dài hơn. Tuy nhiên, hiện nay diện tích sản xuất còn rất ít và giá cả vẫn bấp bênh khiến người trồng khoai vẫn chưa dám mạnh dạn đầu tư, lại chưa có doanh nghiệp xuất khẩu nào bao tiêu sản phẩm khoai lang. Trước đó, có công ty đến tận ruộng khoai để ký hợp đồng với người dân nhưng chưa đạt thỏa thuận vì phía doanh nghiệp chỉ mua khoai bóng, được lựa chọn đủ trọng lượng và đẹp mới lấy, trong khi phía nông dân chỉ muốn bán sô, bán đứt đoạn…
Ngoài ra, chất lượng giống khoai lang hiện nay giá vừa cao lại dễ gây bệnh do cắt đọt bán giống. Ngành nông nghiệp cũng đã thử nghiệm giống cấy mô nhưng giá cao gấp 10 lần so với giống thường. Hiện xã khuyến cáo nông dân nên chọn giống được giâm từ củ lớn lên để phòng tránh dịch bệnh, bảo đảm chất lượng khoai tốt hơn. Bên cạnh đó, người nông dân vẫn còn lệ thuộc vào giá cả phía doanh nghiệp đưa ra, chưa chủ động được giá do chính sản phẩm của mình làm nên còn e ngại đầu tư. Vì thế rất mong các ngành chức năng phối hợp doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để nông dân cầm chắc có lời mới mạnh dạn
đầu tư.
Cũng như những mặt hàng nông sản tươi khác, khoai lang xuất khẩu muốn được xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc không chỉ cần có mã số vùng trồng mà còn phải được sơ chế, chế biến từ cơ sở đóng gói được cấp mã số. Vậy nên, cùng với việc xây dựng vùng trồng đạt tiêu chuẩn, công tác hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký mã số đóng gói đã được tỉnh Vĩnh Long tích cực thực hiện thời gian qua. Để xây dựng cơ sở đóng gói khoai lang xuất khẩu rộng 1.400m2 với kỹ thuật xử lý tiên tiến cho sản lượng 100 tấn khoai/ngày, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Song Toàn Phát đã đến Vĩnh Long từ năm 2022, cùng với hai doanh nghiệp khác ở Vĩnh Long được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt và gắn mã số, chọn là đơn vị thực hiện lô hàng khoai lang xuất khẩu đầu tiên sang Trung Quốc.
Đến nay, Vĩnh Long đã có 27 vùng trồng đạt tiêu chuẩn khoai lang xuất khẩu với diện tích gần 600ha, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với công suất khoảng 260 tấn/ngày, giúp ổn định đầu ra, tăng lợi nhuận cho người dân trồng khoai trong thời gian tới, từ đó góp phần khôi phục diện tích vùng trồng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt cho biết:
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với doanh nghiệp và chính quyền địa phương đẩy mạnh việc xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất, tăng cường tuyên truyền hướng dẫn nông dân thực hiện. Nông dân cần tích cực tham gia xây dựng mã số vùng trồng, thực hiện chế độ canh tác theo quy trình và liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp từ khâu trồng, chăm sóc và tiêu thụ khoai lang xuất khẩu.
Nguồn: nhandan.vn
Bà con cập nhật các bài tin tức mới nhất TAI ĐÂY
Xem thêm: Ứng dụng công nghệ số trong nghành nông nghiệp
Xem thêm: BỆNH GHẺ SAO Ở KHOAI TÂY