Lần đầu tiên Khánh Sơn, một huyện vùng cao của tỉnh Khánh Hòa, tổ chức họp báo chỉ để giới thiệu về các loại nông sản của địa phương với du khách trong và ngoài nước.

Đất lành, cây “đậu”

Nằm ở độ cao từ 400 – 800 m so với mực nước biển, Khánh Sơn không quá mát mẻ như Đà Lạt nhưng cũng không nóng bức như Cam Ranh. Vị trí “trung dung” này đã thành đắc địa cho một số loại cây như sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, chôm chôm, mía tím… Những giống cây ấy phần lớn theo chân cư dân người Kinh lên đây lập nghiệp từ nhiều đời trước, nhưng nó thật sự phát huy hiệu quả thì chỉ khoảng chừng 5 – 10 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, nếu chỉ trồng và canh tác theo cách truyền thống thì người nông dân Khánh Sơn cũng chỉ dừng lại ở mức “tự cung tự cấp”, vì sự thoái hóa của các giống cây sẽ diễn ra nên ngoài việc có mặt ở Khánh Sơn để thích nghi với vùng đất mới, các loại cây ăn quả ở đây được nông dân và cán bộ kỹ thuật của huyện liên tục cải tiến về giống, cách trồng; cách chăm bón cũng được thay đổi theo lối canh tác hiện đại. Chính việc chăm chút này vừa giúp cho các loại giống cây ngày một phong phú, năng suất tăng lên và hiệu quả kinh tế của từng loại trái cây cũng được cải thiện; đưa Khánh Sơn thật sự thành “đất lành” để cây trái sinh sôi.

Nhận diện nông sản Khánh Sơn

Trong số các loại cây trái mà Huyện Khánh Sơn giới thiệu với quan khách như sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm, mía tím… thì sầu riêng được chú ý hơn cả. Sầu riêng Khánh Sơn là một trong 50 loại trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam, được tôn vinh “Thương hiệu vàng nông nghiệp” tại Hà Nội vào tháng 6.2018. Sở dĩ trái sầu riêng ở Khánh Sơn được chú ý như thế là vì những ưu điểm của nó như hạt lép, múi dày, mùi thơm dịu chứ không gắt. Loại trái cây này luôn được giá vì mùa trái chín thường “lệch pha” với mùa sầu riêng các nơi từ 2 – 3 tháng. “Tháng 5, tháng 6 mà có “sầu riêng Khánh Sơn” là mạo danh, vì loại trái cây này thường bắt đầu chín từ tháng 7, sang tháng 8 mới chín rộ”, ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND Huyện Khánh Sơn, cảnh báo.

Sở dĩ có sự cảnh báo ấy là vì nhiều thương lái đã chở sầu riêng các nơi khác lên Thị trấn Tô Hạp, Huyện Khánh Sơn, để bày bán, núp dưới danh nghĩa “Sầu riêng Khánh Sơn”. Đây là điều làm “đau đầu” người trồng sầu riêng vùng này. Để tránh tình trạng giả mạo, Huyện Khánh Sơn đã đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Khánh Sơn” và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp độc quyền trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng giả mạo thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn không vì thế mà chấm dứt.

Cây thoát nghèo

Với diện tích gần 1.000 ha, năng suất trên 3.000 tấn/vụ, giá bán từ 60.000 – 100.000 đồng/kg tùy thời điểm, mỗi héc ta cho lãi khoảng 1 tỉ đồng, sầu riêng thật sự là cây xóa nghèo của Khánh Sơn trong thời điểm hiện tại. Mỗi năm huyện xóa được từ 5 – 7% hộ nghèo, tương đương 400 hộ, chủ yếu là đồng bào Raglai và cây sầu riêng đóng vai trò chủ đạo trong công cuộc xóa nghèo này”, ông Nhuận cho biết thêm.

Bên cạnh cây sầu riêng, huyện cũng giới thiệu một số loại nông sản khác, trong đó có cây mía tím. Một héc ta mía tím cho lãi đến 300 triệu đồng, dễ trồng, công chăm sóc ít, vốn đầu tư không đáng kể, lại “chín” quanh năm nên đồng bào Raglai rất ưa chuộng.

“Vướng mắc lớn nhất hiện nay là khó mở rộng diện tích vì “đụng” rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Huyện đã kiến nghị tỉnh xem xét giảm bớt đất rừng sản xuất không hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái hiệu quả kinh tế cao hơn. Thứ hai là cần mở rộng tuyến đường 40 km từ Cam Ranh lên Khánh Sơn để thuận lợi cho vận chuyển, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT Huyện Khánh Sơn, nêu khó khăn.

Bao năm loay hoay trước câu hỏi: “Trồng cây gì để thoát nghèo?”, thì nay Khánh Sơn đã có câu trả lời.

Trần Đăng (Báo Thanh Niên)

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận