Quýt hồng lên chậu là sản phẩm trưng Tết đầy sáng tạo của người dân huyện Lai Vung trong những năm gần đây và rất được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng lớn của thực trạng bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi khiến số lượng quýt lên chậu phục vụ thị trường Tết năm nay giảm mạnh…
Dự kiến, dịp Tết Nguyên đán năm nay, toàn huyện Lai Vung chỉ cung ứng cho thị trường Tết hơn 800 chậu quýt hồng. Số lượng này giảm khá nhiều so với mọi năm.
Là một trong những nông dân khởi xướng việc đưa quýt hồng lên chậu, dịp Tết Nguyên đán này, ông Lưu Văn Ràng – Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng quýt chậu xã Vĩnh Thới cung ứng khoảng 180 chậu quýt hồng cho thị trường. Để có được những cây quýt hồng lên chậu đạt yêu cầu, ông Ràng bỏ ra thời gian khoảng 2 năm chuẩn bị cây giống đảm bảo chất lượng, thường xuyên chăm sóc cây trồng từng giai đoạn để cây cho trái vào đúng dịp Tết.
Ông Ràng cho biết: “Từ lâu, nông dân trên địa bàn huyện Lai Vung rất quen thuộc với mô hình đưa quýt hồng lên chậu nhằm nâng cao giá trị nông sản. Công việc này tuy khá công phu nhưng mang lại lợi nhuận lớn hơn so với trồng quýt truyền thống. Theo tôi, quýt hồng lên chậu năm nay sẽ khan hiếm do lượng hàng cung ứng ra thị trường không còn nhiều. Để đáp ứng nhu cầu trưng bày của người dân vào dịp Tết, năm nay, tôi vẫn giữ nguyên giá bán so với các năm trước, dao động từ 1,5 – 10 triệu đồng/chậu (tùy vào kích cỡ, lượng trái mỗi chậu). Đến nay, khoảng 60% lượng quýt lên chậu của tôi được các đơn vị, doanh nghiệp đặt hàng”.
Chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán năm nay, ông Hà Thanh Hồng ngụ ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới sẽ cung ứng khoảng 250 chậu quýt hồng nhưng đến nay chỉ còn 150 chậu đạt chất lượng. Vừa chăm sóc những chậu cây quýt hồng, ông Hồng cho biết: “Trồng quýt hồng lên chậu rất vất vả, phụ thuộc rất lớn vào kỹ thuật chăm sóc. Đồng thời, thời tiết và sâu bệnh cũng là vấn đề rất đáng quan tâm trong khâu sản xuất. Thời gian qua, tình trạng vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cây trồng, nhất là quýt hồng lên chậu. Trong vụ này, số lượng cây quýt bị bệnh nhiều, tôi phải nhổ bỏ và tìm cách khắc phục cho các vụ sau”. Còn ông Lưu Văn Khiêm – chủ vườn quýt hồng Bảy Khiêm thuộc xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung chia sẻ, lượng quýt hồng lên chậu của vườn nhà ông chỉ còn khoảng 50% so với năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh và thời tiết. Để hạn chế thiệt hại từ những điều kiện khó khăn chung, ông Khiêm đầu tư hệ thống nhà lưới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, đây chỉ được xem là giải pháp tạm thời, bởi về lâu dài phải có giải pháp căn cơ để vực dậy loại cây trồng chủ lực này. Vì vậy, nhà vườn rất mong các ngành hữu quan, địa phương hỗ trợ nông dân trong việc cải tạo vườn, góp phần xây dựng thương hiệu cho quýt hồng Lai Vung vươn xa.
Nguồn: Trang Huỳnh (Báo Đồng Tháp)