Bắp cải với quy mô 4ha, mỗi vụ hợp tác xã Nông sản an toàn Liên Hiệp (xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam) tiêu thụ ra thị trường khoảng 120 tấn bắp cải sạch. Toàn bộ sản phẩm được xuất khẩu sang Nhật Bản.

Anh Phạm Hoàng Hiệp kiểm tra vườn bắp cải

Anh Phạm Hoàng Hiệp (SN 1982), Giám đốc hợp tác xã Liên Hiệp cho biết, mọi quy trình sản xuất đều được thực hiện nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đây là tiêu chuẩn cao nhất đối với sản xuất nông nghiệp sạch hiện nay.

Theo anh Hiệp, khi mới triển khai, khâu đầu tiên và quan trọng nhất là ươm giống. Giống được ươm trong nhà lưới, đảm bảo kĩ thuật, tránh bị ảnh hưởng bởi thời tiết bên ngoài. Thời gian ươm giống chỉ mất khoảng nửa tháng.

Tiếp đến, khâu cải tạo đất. Đất được cày sâu, để ải 15 – 20 ngày. Toàn bộ cỏ rác trên mặt nền được thu gom sạch sẽ. Sau đó, dùng máy phay (chém) tơi đất và kéo luống. Mỗi luống cao 30 cm, rộng 70 cm. Mỗi ha trồng 3.500 bắp.

Hoàn thiện các công đoạn, hợp tác xã bắt tay vào việc trồng cây giống, bón phân hữu cơ và dùng túi nilon phủ kín luống trồng. Việc này, giúp hạn chế cỏ dại mọc, giữ ẩm đất và đặc biệt khi mưa sẽ không bị vỡ luống, tràn đất xuống nền đi.

Nói về nguồn phân bón cho bắp cải, anh Hiệp thổ lộ, trước khi vào vụ trồng, hợp tác xã đã chủ động ủ phân hữu cơ. Thành phần gồm men rượu và phân gà. Ủ trong vòng 6 tháng liên tiếp để hoai mục.

Theo anh Hiệp, bón phân hữu cơ giúp cải thiện đất, tơi xốp, cây sinh trưởng nhanh, hạn chế được sâu hại. Ngoài bón phân hữu cơ, hợp tác xã tưới nhử bằng phân NPK, lân… khi cây mới gần 1 tháng tuổi. Nhằm kích thích sự phát triển.

“Hợp tác xã đang sản xuất bắp cải Sakata No70 theo quy trình GolbalGAP. Trước khi xuống cây giống hợp tác xã đã gửi mẫu đất và mẫu nước đi kiểm định chất lượng. Cả 2 mẫu đều đạt yêu cầu”, anh Hiệp thông tin.

Tại đầu mỗi thửa ruộng, hợp tác xã đều có nhật ký ghi cụ thể.

Nhờ áp dụng quy trình sản xuất đúng theo yêu cầu mà phía đơn vị thu mua đề ra nên hợp tác xã Liên Hiệp hoạt động rất trơn tru. Với diện tích 4ha, bắp cải được trồng theo lô (1,3ha/lô), hợp tác xã chỉ cần tới 5 công nhân là đảm nhiệm được hết công việc.

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn bắp cải xanh mướt và rộng bát ngát, anh Hiệp giới thiệu: Trồng bắp cải không hề khó, nhưng phải trồng theo đúng quy trình, đồng bộ tất cả các khâu từ A-Z. Không làm ẩu, tránh gặp rủi ro.

Chỉ tay vào luống bắp cải, anh Hiệp bảo, khoảng cách cây cách cây 40 cm, hàng cách hàng 60 cm, giúp cây có độ thoáng, phát triển tốt. Ngoài ra, toàn bộ hệ thống tưới nước cho bắp cải hoạt động theo chế độ tự động. Chỉ cần mở khóa tổng là nước chảy về các đường ống dẫn nước, cung cấp nước cho cây.

Anh Hiệp bật mí, để bắp cải luôn xanh tốt, không bị sâu bệnh, cây luôn khỏe thì phải chọn những cây giống thẳng, có nhiều rễ. Có như vậy, cây mới phát triển nhanh, sâu bệnh không hoành hành. Và, đặc biệt phải phun thuốc bảo vệ thực vật theo định kì, theo liều lượng, đúng quy định.

“Thời gian sinh trưởng của bắp cải khoảng 105 ngày là cho thu hoạch. Mỗi bắp nặng 1,5 – 1,8kg là đạt tiêu chuẩn. Theo kế hoạch, mỗi vụ hợp tác xã sẽ cung cấp ra thị trường 120 tấn bắp cải sạch, an toàn. Toàn bộ sản phẩm, được phía Công ty TNHH VinEco thu mua với giá 5 nghìn đồng/kg và xuất khẩu sang Nhật Bản”, anh Hiệp nói.

Đánh giá về mô hình bắp cải sạch của hợp tác xã Liên Hiệp, bà Nguyễn Thị Nhâm, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Hà Nam cho biết, mô hình thực hiện nghiêm ngặt các quy trình sản xuất. Sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Tại đầu mỗi thửa ruộng, hợp tác xã đều có nhật ký ghi cụ thể loại bắp cải, ngày gieo cây giống, ngày trồng, dự kiến thời gian thu hoạch… Nguồn nước, mẫu đất đều được kiểm định trước khi vào vụ.

Vườn bắp cải rộng bát ngát của hợp tác xã Liên Hiệp.

“Thời điểm này, hợp tác xã cho công nhân thu hoạch bắp cải, đóng gói cẩn thận để chuẩn bị xuất khẩu sang Nhật Bản. Đơn vị đứng ra thu mua là VinEco. Sự liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã với doanh nghiệp đã giải quyết được đầu ra sản phẩm cho hợp tác xã” bà Nguyễn Thị Nhâm cho hay.

Bà con có thể tham khảo thêm nhiều tin tức nông nghiệp mới nhất TẠI ĐÂY

Mai Chiến (Báo Nông Nghiệp Việt Nam)

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận