Sầu riêng bị sượng cơm?

Sầu riêng bị sượng cơm là một trở ngại và là nổi băn khoăn rất lớn của nhà vườn trồng sầu riêng.

Sầu riêng bị sượng cơm được định nghĩa bởi Nakasone và Paull (1998) là hiện tượng rối loạn sinh lý làm cho phần ăn được (cơm) bị cứng, có màu nâu, không có màu vàng tươi hay màu sắc không đồng đều. Hiện tượng sầu riêng bị sượng cơm thường gặp ở đồng bằng sông Cửu Long khác nhau tùy theo giống.

  • Giống sầu riêng Monthong thường gặp hiện tượng cơm cứng, cơm cứng và mất màu hay cơm bị nhão.
Nguyên nhân sầu riêng bị sượng cơm và một số biện pháp khắc phục
Sầu riêng bị sượng cơm
  • Trên giống Sầu riêng RI6 hiện tượng sượng cơm chủ yếu là “cháy múi”, phần cơm có màu nâu hay bị biến dạng.
Nguyên nhân sầu riêng bị sượng cơm và một số biện pháp khắc phục
Sầu riêng bị cháy múi

–   Giống sầu riêng Sữa Hạt Lép hiện tượng bị sượng cơm chủ yếu là cơm nhão, mềm. Hiện tượng cháy vách múi, cơm phát triển không đều hay “cơm trong” có xuất hiện nhưng rất ít.

–   Sầu riêng Khổ Qua xanh thường xuất hiện hiện tượng nhão cơm. Cơm rất mềm,  không thể cầm bằng tay được. Hiện tượng nhão cơm thường xuất hiện trong mùa mưa, sau những đợt mưa lớn.

Hiện tượng sượng cơm trên giống sầu riêng Mon Thong

–   Ngoài những hiện tượng sượng như mô tả trên còn có hiện tượng “sượng bao” là phần cơm phía trong tiếp giáp với vách múi có màu trắng, cứng nhưng bên ngoài vẫn mềm. Ngoài ra, cũng có trường hợp “sượng” do cơm trái có màu sắc vàng, trắng không đồng đều như “da lợn”, phần cơm có màu trắng thường hơi cứng hơn so với phần có màu vàng.

Nhìn chung, dù trái sầu riêng bị sượng cơm theo hình thức nào thì phẩm chất trái cũng giảm và không còn giá trị thương phẩm nữa. Nội dung bài báo nầy nêu ra một số nguyên nhân và biện pháp khắc phục hiện tượng trái sầu riêng bị “sượng” nhằm góp phần giúp cho nhà vườn trồng sầu riêng khắc phục được trở ngại này.

Nguyên nhân sầu riêng bị sượng cơm

Theo tài liệu nghiên cứu của một số nước như Thái Lan thì giống không hoàn toàn là yếu tố quyết định mà chủ yếu là do biện pháp canh tác của nhà vườn làm cho sầu riêng bị sượng cơm. Điều nầy có nghĩa là không có giống nào hoàn toàn không bị sượng cũng như không có giống nào hoàn toàn bị sượng 100%. Do đó, không riêng gì giống sầu riêng Mon Thong mà giống sầu riêng Khổ Qua xanh được trồng phổ biến ở Cai Lậy, Tiền Giang hay giống Sữa Hạt Lép ở Cái Mơn, Chợ Lách, Bến Tre cũng có thể bị sượng như những giống khác. Một số nguyên nhân gây ra hiện tượng sầu riêng bị sượng cơm được liệt kê như sau:

Sự cạnh tranh dinh dưỡng trong quá trình phát triển trái

Trong giai đoạn 8 – 12 tuần sau khi đậu trái là giai đoạn trái phát triển phần cơm trái rất mạnh, có thể đạt 16 g/trái/ngày nên khi cây ra đọt non sẽ xãy ra tình trạng cạnh tranh chất dinh dưỡng giữa sự phát triển của đọt non và cơm trái mà sự huy động chất dinh dưỡng cho sự phát triển của đọt non thường mạnh hơn cơm trái nên cơm trái không phát triển bình thường dẫn đến hiện tượng sầu riêng bị sượng cơm. Sự ra đọt non trong giai đoạn trái phát triển thường liên quan đến kỹ thuật bón phân và quản lý nước. Bón dư thừa phân, đặc biệt là phân đạm sẽ có tác dụng kích thích sinh trưởng làm cho cây sầu riêng ra ra đọt non. Chính điều nầy mà một số nhà vườn rất sợ bón phân cho sầu riêng trong giai đoạn trái phát triển nên không bón phân cho cây sầu riêng trong giai đoạn phát triển trái và hậu quả là trái phát triển kém do không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.

Một điều quan trọng cần phải quan tâm trong kỹ thuật canh tác sầu riêng là lá sầu riêng là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng chính để nuôi trái nên khả năng nuôi trái của cây sầu riêng phụ thuộc vào số lá trên cây mà thể hiện qua số lượng đọt non được hình thành trước khi cây ra hoa.

Nếu trước khi ra hoa cây sầu riêng được chăm bón tốt, cây ra nhiều lần đọt, đọt mập, không bị sâu bệnh tấn công thì khả năng nuôi trái rất tốt, ngược lại trái sẽ phát triển kém và không bình thường như méo hay dị dạng. Do đó, nhà vườn thường bón phân nuôi hoa đồng thời kích thích cho cây ra đọt non ngay khi mầm hoa xuất hiện rõ. Nhà vườn thường gọi là kỹ thuật bón phân để “kéo đọt”.

Cây xử lý Paclobutrazol với liều lượng cao, tỉ lệ ra hoa nhiều cây thường khó ra đọt non trong giai đoạn nầy. Tỉ lệ phân N:P:K thích hợp có thể là 2:2:1 hay 1:1:1. Khi hoa nở thì lá non cũng đã phát triển, chính đợt đọt nầy sẽ là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng quan trọng giúp cho trái sầu riêng phát triển tốt. Trái lại, sự xuất hiện đọt non trong giai đoạn phát triển trái tiếp theo sẽ làm giảm tỉ lệ đậu trái, tăng sự rụng trái non hoặc làm cho trái bị sượng.

Ra hoa và đậu trái nhiều đợt cũng gây ra sự cạnh tranh chất dinh dưỡng giữa hoa và trái non với sự phát triển trái làm trái bị sượng. Sự ra hoa của cây sầu riêng bị ảnh hưởng bởi điều kiện khô hạn, sự xuất hiện của mùa khô sớm hay muộn, dài hay ngắn hoặc có tập trung hay không là những yếu tố quyết định sự ra hoa của cây sầu riêng.

Sầu riêng bị sượng cơm do yếu tố môi trường

Mưa nhiều, mực thủy cấp trong mương cao làm gia tăng ẩm độ đất, cây hút nhiều nước là nguyên nhân gây ra hiện tượng cơm nhão và kích thích cây ra đọt non gây ra sự cạnh tranh dinh dưỡng với trái đang phát triển. Trong điều kiện ở đồng bằng sông Cửu Long do mực thủy cấp cao nên quản lý nước trong vườn sầu riêng trong giai đoạn trái phát triển cũng là yếu tố quan trọng có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng trái sầu riêng.

Nếu không có đê bao để khống chế mực nước trong mương thấp thì ẩm độ đất trong vườn cao sẽ là điều kiện rất tốt để kích thích sự sinh trưởng, làm cho cây ra đọt non trong giai đoạn phát triển trái. Mưa hay tưới nước quá nhiều cũng thúc đẩy cây ra đọt non. Chính yếu tố nầy mà qua kinh nghiệm của một số nông dân cho rằng trái thu hoạch trong mùa khô thì không bị sượng trong khi trái thu trong mùa mưa thì bị sượng nhiều hơn.

Tuy nhiên, nếu tưới nước không đầy đủ trái sầu riêng sẽ chậm phát triển, không lớn, đặc biệt nếu thiếu nước trầm trọng do “xiết nước” để khống chế đọt non hoặc kích thích cho trái chín sớm bằng cách xiết nước quá sớm làm cho cơm không phát triển, có màu trắng mà nhà vườn ở Ngũ Hiệp, Cai Lậy, Tiền Giang gọi là hiện tượng “lạt cơm”. Môt điều cần lưu ý là cây sầu riêng chịu hạn và chịu úng rất kém. Thiếu nước dễ làm cho cây bị rụng lá và chết cây nhưng nếu bị ngập nước cũng dễ làm chết cây. Do đó vấn đề quản lý phân bón và chế độ nước cho cây sầu riêng rất quan trọng có thể làm ảnh hưởng đến năng suất và phẩm chất trái sầu riêng.

Ẩm độ đất cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự ra hoa nên quản lý nước trong vườn tốt cũng là yếu tố giúp cho sầu riêng ra hoa sớm và tập trung hơn ở những vườn không có quản lý nước. Thông thường, nếu để cây sầu riêng ra hoa tự nhiên cây sầu riêng sẽ ra hoa thành hai hay nhiều đợt hoa nên xuất hiện sự cạnh tranh dinh dưỡng giữa hoa và trái non, hoa và trái trưởng thành và sự cạnh tranh giữa trái non và trái trưởng thành.

Đặc điểm của cây và kích thước trái sầu riêng bị sượng cơm

Cây sầu riêng nhân giống bằng hột, cây còn tơ, mới ra trái một hai năm được ghi nhận dễ bị sượng hơn cây trồng bằng phương pháp nhân giống vô tính hay cây trưởng thành. Nguyên nhân được giải thích là do những cây nầy sinh trưởng mạnh, dễ ra đọt non nên gây ra hiện tượng cạnh tranh dinh dưỡng trong quá trình phát triển trái. Hiện tượng sượng sẽ giảm dần khi cây trưởng thành. Trái có kích thước lớn cũng dễ bị sượng hơn trái nhỏ.

Rối loạn dinh dưỡng làm sầu riêng bị sượng cơm

Sự mất cân bằng trong trái cũng có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng rối loạn sinh lý trong trái, trong đó mặc dù chưa có kết luận về sự liện hệ giữa hiện tượng trái chín không đồng đều với dinh dưỡng khoáng nhưng có những chỉ thị cho thấy can – xi và ma – nhê là hai chất có ảnh hưởng đến hiện tượng trái chín không đồng đều (Anon, 1993). Hiện tượng cháy múi được cho là do thiếu chất Bo. Sự mất cân bằng giữa can-xi, ma-nhê và kali cũng là yếu tố gây ra hiện tương cứng cơm và mất màu trên giống sầu riêng Monthong. Kali có tương quan nghịch với can-xi và ma-nhê. Bón nhiều phân kali nhưng thiếu can-xi và ma-nhê cũng gây ra sự mất cân bằng dinh dưỡng và làm cho sầu riêng bị sượng.

Theo khuyến cáo của các tài liệu nước ngoài thì bón phân có chứa chlor (như phân KCl hay các loại phân hỗn hợp N:P:K có chứa nguyên liệu là KCl) cũng là nguyên nhân làm cho sầu riêng bị sượng. Nguyên nhân có lẽ do nguyên tố chlor làm cho cơm trái sầu riêng tích nhiều nước, làm giảm phẩm chất cơm.

Biện pháp khắc phục sầu riêng bị sượng cơm

Qua một số nguyên nhân trình bày trên, để khắc phục hiện tượng sầu riêng bị sượng cơm trái sầu riêng nhà vườn nên áp dụng các kỹ thuật như sau:

Giảm sự cạnh tranh dinh dưỡng với trái

–   Hạn chế sự ra đọt non trong giai đoạn phát triển trái bằng cách phun phân MKP (0-52-34) với liều lượng 50 – 100 g/10 lít nước hoặc Nitrat Kali (KNO3) với liều lượng 150 g/10 lít nước, phun đều lên hai mặt lá, 7 – 10 ngày/lần trong giai đoạn từ 3 – 12 tuần sau khi đậu trái.

–   Bón phân đúng: Không nên bón thừa trong giai đoạn phát triển trái, đặc biệt là phân đạm, không dùng phân có chứa Chlor như phân KCl. Khi sử dụng phân hỗn hợp N:P:K nên chú ý thành phần Kali trong phân không chưa KCl. Cây sầu riêng cần nhiều kali, đặc biệt là giai đoạn trái trưởng thành và chín, bón đủ kali sẽ làm cho cơm có màu vàng đậm, vị ngọt hơn. 

–   Nên kích thích cho cây sầu riêng ra hoa tập trung và đồng loạt để hạn chế sự cạnh tranh dinh dưỡng giữa hoa với sự phát triển trái và sự cạnh tranh giữa trái non và trái lớn. Ra hoa đồng loạt cũng giúp trái chin tập trung, thu hoạch cùng lúc sẽ hạn chế sự tập trung dinh dưỡng cho những trái thu hoạch sau cùng. Nên cắt bỏ toàn bộ hoa hoặc trái non ra đợt hai nếu tỉ lệ ra hoa hoặc đậu trái thấp hay số trái ở đợt đầu vừa với khả năng mang trái của cây.

Nguyên nhân sầu riêng bị sượng cơm và một số biện pháp khắc phục
Cần giảm sự cạnh tranh dinh dưỡng cho cây

Quản lý nước

–   Giữ mực nước trong mương vườn ở độ sâu 60 – 80 cm từ mặt líếp sau khi đậu trái nhằm không làm gia tăng ẩm độ đất. Giai đoạn trước khi thu hoạch 25 – 30 ngày nên rút nước trong mương khô cạn để thúc đẩy quá trình trưởng thành và chín của trái, phủ mặt liếp bằng plastic trong mừa mưa để hạn chế hiện tượng nhão cơm. Trong giai đoạn thu hoạch nếu có mưa lớn nên ngừng thu hoạch, rút nước trong mương ra, sau 3 – 5 ngày mới thu hoạch trở lại.

–   Nên kích thích cho cây ra hoa sớm và tập trung để có thể thu hoạch trong mùa khô sẽ ít bị sượng hơn trong mùa mưa.

Bón phân qua lá

Phun phân bón lá có chứa Bo giai đoạn 15 – 20 ngày sau khi đậu trái để hạn chế hiện tượng cháy múi do thiếu chất Bo. Ngoài quy trình bón phân thích hợp cho trái phát triển đầy đủ cần bổ sung thêm các chất can-xi, ma-nhê và kali theo quy trình sau:

–   Phun Ca(NO3)2 nồng độ 0,2% giai đoạn 2 tháng sau khi đậu trái

–   Phun Mg(SO4) nồng độ 0,2% giai đoạn 15 ngày sau khi phun Ca(NO3)2

–   Phun KNO3 nồng độ 1% giai đoạn 01 tháng trước khi thu hoạch

Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch

–   Thu hoạch trái đúng độ chín, 115 -120 ngày sau khi đậu trái đối với sầu riêng Monthong, 105 – 110 ngày đối với sầu riêng Sữa Hạt Lép. Trái gây làm cho trái bị dập hay tiếp xúc với đất sẽ dễ bị nhiễm bệnh thối trái.

–   Nhúng trái nhanh vào dung dịch ethephon ở nồng độ 0,2% để kích thích trái chín đều, giảm hiện tượng sượng “dâm”. Để trái nơi khô, mát, cho trái chín tự nhiên, không đậy kín để tránh cho vỏ trái không bị mềm và chuyển sang màu vàng sáng, thị trường không ưa chuộng.

Tóm lại, hiện tượng sượng cơm trái sầu riêng khác nhau tùy giống, cần phân biệt rõ để có biện pháp khắc phục thích hợp.

Nguồn: PGS.TS. Trần Văn Hâu, Khoa Nông Nghiệp & Sinh Học Ứng Dụng, Trường Đại Hoc Cần Thơ

Xem thêm: Phân bón lá lớn trái xanh gai sầu riêng

Xem thêm: 5 bước phục hồi sầu riêng sau thu hoạch hiệu quả nhất

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận