Nhắc đến quýt hồng – niềm tự hào của nhà vườn huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Ông Lưu Văn Ràng (68 tuổi, xã Vĩnh Thới) lặng người rồi quay mặt đi để giấu ánh mắt buồn.

quýt hồng
Ông Lưu Văn Ràng – nhà nông tâm huyết và nặng tình với cây quýt hồng Lai Vung – Ảnh: Ngọc Tài

Đầu tháng 11 âm lịch, gió bấc thổi từng cơn, tiết trời se lạnh, đây là thời điểm quýt hồng bắt đầu lên “da lươn”. Nhà nhà sẽ hối hả, rộn ràng chăm sóc quýt. Đó là lúc trước, nhưng nay len lỏi trong từng mảnh vườn là nỗi buồn miên man.

“Lúc bắt đầu làm nông tui đã nghĩ phải hạ giá thành sản xuất, tức lợi nhuận của nhà vườn sẽ rộng rãi hơn. Giá cả có lên xuống cũng không đến mức lỗ vốn. Thủ sẵn vài bí quyết giảm giá thành thì nông dân mình chắc đỡ dữ lắm.” Ông TƯ RÀNG

Quýt hồng chết vì bệnh chết xanh, không cầm cự được, nhiều chủ vườn bấm bụng đốn sạch. Ai còn nặng tình với quýt sẽ tiếp tục trồng nhưng đa phần đều có chung một kết quả. “Còn một cơi đọt nữa là lấy trái thì cây chết. Nông dân vừa tức vừa buồn” – ông Ràng chậc lưỡi.
Hiện diện tích quýt hồng chỉ còn khoảng 500ha, giảm khoảng 70% so với thời kỳ cực thịnh. Trong số này chỉ còn khoảng 200ha nhiễm bệnh nhẹ có thể cung ứng dịp tết năm nay. 

Biến nỗi buồn thành động lực từ cây quýt hồng

Nông dân quay lưng với loài cây mang đến ấm no, giàu sang của cả vùng là quyết định cực chẳng đã. Riết rồi nhiều nhà vườn đâm nản, quay sang đổ lỗi cho số phận, có thể cây quýt đã “hết duyên” với vùng đất này.
Nặng lòng với cây quýt, thương người nông dân xứ quýt, ông Ràng cầm lòng không đặng. Năm nay dù vườn nhà vẫn còn vài chục cây có thể xử lý ra bông nhưng ông Ràng quyết không để trái. Ông bảo phải dưỡng sức cho cây, “cưng” những cây bố mẹ đã cho ông “trái ngọt” bao năm. 

“Chúng chính là nguồn gen quý, phải chắt chiu để khi tìm được bài thuốc đặc trị bệnh chết xanh thì còn giống để nhân ra. Bao nhiêu tiền tui cũng không màng đến” – ông Ràng tâm sự.
Nỗi buồn xứ quýt trở thành động lực mạnh mẽ để ông tìm tòi, mổ xẻ nguyên nhân mỗi ngày. 
Gặp ai trồng quýt có thâm niên, ông cũng hỏi cặn kẽ tình hình “sức khỏe” vườn nhà, các kỹ thuật chăm sóc trong mấy năm trước, rồi qua đó ông dần dà rút ra được đặc điểm, đặc tính của từng vườn. Nguyên nhân vì sao vườn này chết trước, vườn kia chết từ từ, vườn nọ chết một lượt.

Nhà nông thuyết phục nhà khoa học

Đến ngày UBND huyện Lai Vung mở hội thảo khoa học, có các chuyên gia, nhà khoa học và nhà vườn tham dự, ông chuẩn bị sẵn sàng các số liệu thực tế mà ông thu thập được để trình bày ý kiến của mình. 
Khi lãnh đạo UBND tỉnh mở lời: “Anh Tư Ràng phát biểu đi”, ông liền rành rọt từng câu: “Các nhà khoa học đưa ra ba nguyên nhân là do nông dân lạm dụng phân hóa học làm đất chai, pH trong đất thấp, cây giống không chất lượng. Tui cho rằng đúng nhưng chưa đủ”.

Nói rồi ông Ràng dẫn chứng bằng những con số cụ thể: “Vườn mới của tui, đất lúa tui lên vườn, đất tốt lắm, pH trong đất cũng đảm bảo. Cây giống thì mỗi lần trồng mới tui đều giữ lại vài cây trồng trên vườn cũ. Những cây sắp cho trái thì chết, trong khi những cây trên vườn cũ tui trồng xen với cây trưởng thành, được che nắng, che bụi thì xanh tốt. Tui cho rằng các nhà khoa học đã bỏ qua một nguyên nhân là ô nhiễm môi trường”.
Đưa ra nguyên nhân, ông Ràng liền nêu giải pháp đã được ông thử nghiệm thành công trên vườn nhà. 

“Tui làm thử nghiệm dùng lưới che nắng. Tui che trên đọt cây theo tỉ lệ, che 1/3 nắng sáng và 2/3 nắng chiều, ở giữa tui chừa một khoảng trống. Sau một tháng cây vàng lá, thoi thóp sắp chết thì xanh trở lại. Tui cho rằng do ánh nắng hiện nay độc hơn ngày trước. Không khí cũng ô nhiễm, có nhiều khói bụi hơn làm cây quang hợp kém”.

Làm gì cũng phải quyết tâm

Kết luận của ông Ràng làm cả nhà khoa học và nông dân đều trầm ngâm, gật gù. Ông nói đến đâu đều có dẫn chứng thực tế, thực nghiệm đến đó nên không thể phản bác. 
Sau hội thảo khoa học, ông Tư Ràng tiếp tục mở rộng thử nghiệm việc che nắng cho cây quýt. Liếp nào quýt được che thì xanh tốt, còn lại thì ngắc ngoải. Ông còn kết hợp bón phân hữu cơ tự ủ, kết quả đất tơi xốp hẳn. Độ pH trong đất cũng được cải thiện, cây phục hồi từng ngày. Ông Ràng còn rất “chịu chơi” ở các khoản đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại.

Ông Ràng không phải nông dân “nhà nòi”, ông xuất thân là một thợ sửa điện tử, sống ở phố thị và từng có thời gian làm ở công ty điện lực. 
Đến khi tuổi ngoài 40 ông mới dừng công việc kinh doanh, sửa chữa điện tử để chuyển sang làm nông – đến nay đã ngót nghét 20 năm. 
Ở bất cứ lĩnh vực nào ông cũng dành nhiều tâm huyết và một trong những “bí kíp” của ông là phải tìm hiểu cặn kẽ, phải thực sự chuyên sâu từng ngóc ngách của lĩnh vực mà ông chọn.

Mời bà con xem thêm nhiều tin tức mới TẠI ĐÂY

Nguồn: tintucnongnghiep.com

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận