Sau 3 tháng từ gợi ý của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, UBND tỉnh đã cho phép thành lập Hiệp hội Sầu riêng Đăk Lăk và sẽ sớm ra mắt.
Thành lập hiệp hội sầu riêng sau gợi ý của Bộ Trưởng
Trong lễ xuất khẩu lô sầu riêng tươi đầu tiên của Việt Nam sang Trung Quốc ngày 12/9/2022 tại huyện Krông Pắc (Đăk Lăk), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, để ký kết được nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, Việt Nam phải mất 4 năm vất vả, thậm chí còn có những đánh đổi nhất định trong thương mại song phương.
“Đã là một sự đánh đổi thì chúng ta phải đánh đổi như thế nào để mang lại lợi nhuận tốt nhất cho trái sầu riêng Việt Nam. Chúng ta đang trong tâm thế cùng nhau đi xa, làm một việc lớn hơn để các thị trường thế giới nhìn vào, quan sát.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp phải cùng làm một việc rất lớn, cùng xây dựng một hệ sinh thái cho ngành hàng sầu riêng chứ không phải tranh đua nhau, chen chúc nhau. Việt Nam không chỉ bán trái sầu riêng mà còn phải xây dựng hình ảnh sầu riêng Việt Nam, chuỗi giá trị sầu riêng Việt Nam đến thị trường đông dân và không còn dễ tính”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Do đó, Bộ trưởng đã yêu cầu tỉnh Đăk Lăk thành lập được hiệp hội sầu riêng để tiến tới xây dựng chiến lược xuất khẩu có tầm nhìn dài hạn không chỉ cho thị trường Trung Quốc mà còn cho nhiều thị trường khác nhau.
Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Lăk cho biết, trái sầu riêng Việt Nam đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường rộng lớn và quan trọng nhất là Trung Quốc.
Theo ông Côn, Đăk Lăk nói riêng và Việt Nam nói chung có nhiều chủng loại sầu riêng cho sản lượng và giá trị kinh tế rất lớn nhưng trước đây chỉ xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, dẫn đến việc thất thu ngân sách nhà nước vì không thu được thuế. Các doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm về xuất khẩu chính ngạch cũng như yêu cầu về kiểm dịch thực vật khắt khe từ phía Trung Quốc. Do đó, việc ra đời một hiệp hội về ngành hàng sầu riêng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Lê Minh Hoan là tất yếu phải xảy ra.
“Sau 3 tháng từ gợi ý của Bộ trưởng, UBND tỉnh đã cho phép thành lập Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk. Đây là hiệp hội nghề nghiệp phi lợi nhuận; tổ chức và hoạt động theo điều lệ được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật. Hiệp hội hoạt động trong phạm vi tỉnh; chịu sự quản lý của Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Lăk và các sở, ban, ngành có liên quan đến lĩnh vực của Hiệp hội”, ông Côn nói.
Ông Côn cho biết thêm, Hiệp hội sầu riêng Đăk Lăk ra đời nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả đối với lĩnh vực chăm sóc, sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến và tiêu thụ, phát triển ngành hàng sầu riêng. Qua đó, sẽ góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của Đăk Lăk nói riêng và cả quốc gia nói chung. Đăk Lăk hướng tới mục tiêu sẽ là thủ phủ sầu riêng của cả nước và là thế mạnh kinh tế nông nghiệp của địa phương.
Nâng tầm sầu riêng Việt Nam
Ngay sau khi thành lập, Hiệp hội sầu riêng Đăk Lăk đã đặt ra nhiều mục tiêu nhằm cũng cố Hiệp hội sầu riêng cũng như giúp mặt hàng sầu riêng Đăk Lăk và Việt Nam phát triển.
Cụ thể, Hiệp hội sầu riêng Đăk Lăk sẽ tham gia các chương trình hội nghị, hội thảo về nông nghiệp do địa phương, doanh nghiệp tổ chức để nâng cao kinh nghiệm, năng lực hoạt động.
Tổ chức, mời gọi các đối tác triển khai biện pháp kỹ thuật nhằm giúp hội viên nắm vững nguyên tắc sản xuất và tạo ra lượng lớn sản phẩm đồng nhất về mẫu mã, chất lượng. Từ đó, sản phẩm tạo ra được ưu thế cạnh tranh và bán được giá cao hơn so với thị trường. Thông qua các biện pháp phổ biến kỹ thuật, sẽ giúp nâng cao kiến thức của nông dân, hội viên, đồng thời nâng cao năng lực làm việc của Hiệp hội sầu riêng.
Hiệp hội sẽ tư vấn kỹ thuật nông nghiệp cho các hội viên cũng như hệ thống trang trại trong toàn khu vực Tây Nguyên, đem đến sự đồng nhất về mẫu mã, chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh. Khi có sự tư vấn của Hiệp hội sầu riêng, các hội viên, các trang trại sẽ thực hiện chăm sóc cây trồng theo quy trình chuẩn cho nông sản xuất đồng nhất. Hiệp hội với những chuyên gia nông nghiệp sẽ ký kết các hợp đồng tư vấn nhằm đem lại lợi ích thiết thực nhất cho cộng đồng.
Đặc biệt, tổ chức này sẽ xây dựng các vườn cây chuẩn theo mô hình VietGAP, GlobalGAP, Organic; xây dựng, quản lý, giám sát mã vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói… Quá trình xây dựng các mô hình rất cần sự hỗ trợ và đầu tư của tỉnh Đắk Lắk nhằm đem đến hiệu quả thực sự để khẳng định chất lượng và sự nghiêm túc của Hiệp hội với các đối tác…
Từ đó, cơ hội hợp tác kinh doanh và tiêu thụ sầu riêng sẽ dễ dàng hơn, tạo thị trường tiêu thụ với giá cả ổn định cho nông dân, hội viên, từng bước phát triển vùng nguyên liệu đạt các tiêu chuẩn cao để gia tăng vị thế cạnh tranh của sầu riêng Đăk Lăk với các vùng trong nước và thế giới, hướng tới việc trở thành thủ phủ kinh tế nông nghiệp trong khu vực.
Hiệp hội sẽ góp phần xây dựng thương hiệu Sầu riêng Đăk Lăk nói riêng và cả nước nói chung để vươn tầm ra khu vực và thế giới. Trong đó, tổ chức này sẽ giúp xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho quả sầu riêng.
Bên cạnh đó, sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, kết hợp với cơ quan truyền thông và các ban ngành chức năng để thông tin, tuyên truyền và định hướng hoạt động sản xuất, tiêu thụ sầu riêng, đặc biệt là truyền thông tin kịp thời vào các thời điểm nhạy cảm của mùa vụ như thiên tai, dịch hại để bà con nông dân và hội viên nắm bắt nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Theo ông Vũ Đức Côn, việc thành lập Hiệp hội sầu riêng Đăk Lăk sẽ là cầu nối thương mại, kỹ thuật giúp cho sầu riêng Việt Nam đạt được phẩm chất tốt, năng suất cao, đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu xuất khẩu.
Nguồn: nongnghiep.vn
Bà con theo dõi thêm các bài tin tức mới nhất TẠI ĐÂY
Xem ngay: Trái cây chủ lực duy trì được giá bán tốt