Nông dân chuyên trồng hoa Tết ở địa phương cho rằng, dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi nên e ngại đầu ra rất khó khăn.
Hiện nay, tuy đã bước vào vụ trồng hoa phục vụ Tết Nguyên đán, nhưng nông dân tỉnh Tiền Giang lo ngại dịch bệnh kéo dài, đầu ra khó khăn nên không mạnh dạn xuống giống gieo trồng.
Đến thời điểm này, nông dân tỉnh Tiền Giang gieo trồng hoa phục vụ dịp Tết cổ truyền với tiến độ rất chậm so với cùng vụ các năm trước. Tại làng hoa xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho mới có khoảng 15% nông dân bắt tay vào gieo trồng hoa.
Hoa Tết đầu ra rất khó khăn
Nông dân ở địa phương cho rằng, dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi nên e ngại đầu ra rất khó khăn; trong khi đó phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở mức cao nên thu hẹp diện tích hơn các năm trước.
Ông Trương Văn Nhung, Tổ trưởng Tổ hợp tác ở xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) cho biết, vụ năm nay người dân trồng rất ít, một phần do đi lại, vận chuyển vật tư, nguyên liệu để trồng rất khó khăn.
“Năm nay, mới trồng 15% so với năm trước. Năm trước, giờ này trồng 300.000 – 400.000 giỏ hoa nhưng hiện nay chỉ 30.000 – 40.000 giỏ. Hôm rồi do giãn cách, trồng cúc Mâm xôi tưới không được nên các hộ phải bỏ, còn một số hộ trồng đại chứ biết làm sao. Bây giờ các hộ sợ đầu ra một phần nên trồng ít, có người chuẩn bị trồng nhưng không mua được nguyên liệu nên nghỉ luôn”- ông Trương Văn Nhung cho biết.
Mỗi năm, nông dân tỉnh Tiền Giang trồng trên 1 triệu giỏ hoa tươi cung cấp thị trường dịp Tết cổ truyền cho các địa phương trong và ngoài tỉnh. Diện tích hoa Tết nhiều nhất là Thành phố Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo, thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông. Các năm trước, do chất lượng cao và hoa trổ đúng dịp Tết nên người trồng hoa có lãi gấp 2-3 lần so với chi phí đầu tư./.
Nguồn: Tin tức nông nghiệp
BÀ CON XEM THÊM MỘT SỐ BÀI VIẾT KHÁC TẠI ĐÂY.