Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt nam (chiếm 22% tổng xuất khẩu) và Việt Nam cũng là nước cung cấp gạo lớn nhất cho Trung Quốc (chiếm 46,2% tổng nhập khẩu).

Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1/2019 của nhóm phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân SSI Retail Research thuộc công ty chứng khoán SSI vừa công bố có nhận xét “sức ỳ của nông nghiệp vốn đã là chuyện cơm bữa”.

Theo nhóm phân tích, trong quý 1 năm nay, ngành nông nghiệp tăng trưởng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ là +3,76% nhưng nếu so với quý 1 các năm trước đó thì +1,84% vẫn là một con số tương đối cao. Quý 1/2016 GDP Nông nghiệp giảm -2,69% còn quý 1/2017 tăng +1,38%. 

Tỷ trọng lúa gạo trong ngành nông nghiệp của Việt nam khá lớn nên những thay đổi về thời tiết hay thị trường xuất khẩu gạo đều có ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành. Năm 2016 thời tiết khô hạn do El Nino đã khiến nông nghiệp tăng trưởng âm. Năm 2017 và 2019 thời tiết thuận lợi hơn nhưng xuất khẩu gạo lại giảm sút. Chỉ riêng năm 2018 ngành nông nghiệp có được thuận lợi cả về thời tiết lẫn thị trường (do Philippines và Indonesia tăng nhập khẩu gạo) nên ngành nông nghiệp đạt tăng trưởng cao kỷ lục +3,74%. 

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt nam (chiếm 22% tổng xuất khẩu) và Việt Nam cũng là nước cung cấp gạo lớn nhất cho Trung Quốc (chiếm 46,2% tổng nhập khẩu). Tuy vậy kể từ đầu năm 2018 Trung Quốc đã áp dụng nhiều rào cản làm ảnh hưởng đến việc nhập khẩu gạo từ Việt Nam như tăng thuế nhập khẩu gạo nếp từ 5% lên 50% hay kiểm soát chặt nhập khẩu gạo tấm. Có thể nói các rào cản chính sách từ phía Trung Quốc mới chính là nguyên nhân ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Việt Nam chứ không phải do kinh tế Trung Quốc giảm tốc hay đồng nhân dân tệ mất giá.

Một tín hiệu tích cực là giá lúa gạo đã có tín hiệu tạo đáy trong tháng 2 và nhích tăng nhẹ trong tháng 3. Giá lúa trung bình trong tháng 3 là 5,45 nghìn/kg trong khi của tháng 2 là 5,27 nghìn/kg. 

Trái ngược với Trung Quốc, Philippines lại đang nới lỏng việc nhập khẩu gạo với việc dỡ bỏ quy định hạn mức nhập khẩu đã áp dụng trong 2 thập kỷ, đồng thời mức thuế nhập khẩu gạo từ các nước ASEAN vào Philippines cũng thấp hơn so với các nước khác, 35% so với 50%.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận