Đối với các loại hoa tươi chỉ bán được dịp Tết cổ truyền, nông dân cần giảm diện tích để tránh rủi ro trước nguy cơ dội hàng, rớt giá.
Hiện nay, nông dân tỉnh Bến Tre bước vào vụ sản xuất hoa kiểng Tết cổ truyền 2022. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 chưa lắng dịu, chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương vận động nông dân nên giảm diện tích hoa kiểng để tránh rủi ro do thị trường tiêu thụ gặp khó khăn.
Ngoài diện tích các loại kiểng truyền thống đang được chăm sóc, nhà nông đang bắt tay vào xuống giống các loại hoa tươi để cho cây trổ hoa trúng dịp Tết. Do dịch bệnh Covid-19 trong tỉnh Bến Tre cũng như cả nước đang bùng phát, việc chăm sóc, tiêu thụ hoa kiểng sẽ gặp khó khăn nên chính quyền và ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre lưu ý người dân nên thu hẹp diện tích trồng hoa kiểng, trồng ít hơn các năm trước. Đặc biệt, đối với các loại hoa tươi chỉ bán được dịp Tết cổ truyền cần giảm diện tích để tránh rủi ro trước nguy cơ dội hàng, rớt giá.
Trồng hoa kiểng Tết là nghề truyền thống
Trồng hoa kiểng Tết là nghề truyền thống của nông dân tỉnh Bến Tre. Mỗi năm, địa phương duy trì hơn 15.000 sản phẩm hoa kiểng Tết; trong đó hơn 50% là hoa tươi như các loại cúc, vạn thọ, mào gà, mã đình hồng… Địa phương có mô hình trồng nhiều nhất là huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc… đem lại nguồn thu nhập cho nông dân đến hàng trăm triệu đồng/vụ.
Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết, vụ hoa Tết cổ truyền năm nay có nguy cơ khó tiêu thụ. Địa phương vận động nông dân giảm diện tích khoảng 50% so với cùng vụ năm ngoái.
“Lường trước thị trường năm nay sẽ khó tiêu thụ do dịch bệnh nên phòng đang khuyến cáo người dân giảm diện tích. Các nhóm hoa mai, tắc, bông giấy… làm năm nay bán không được để năm tới bán tiếp, gốc sẽ phát triển hơn, còn các loại hoa phải giảm diện tích. Năm trước toàn tỉnh tập trung trồng 8 triệu giỏ hoa năm nay sẽ giảm khoảng 50%”, ông Bùi Thanh Liêm chia sẻ../.
Nguồn: Tin tức nông nghiệp
BÀ CON XEM THÊM MỘT SỐ BÀI VIẾT KHÁC TẠI ĐÂY.