1. TÁC NHÂN GÂY BỆNH THÁN THƯ TRÊN ỚT VÀ TRIỆU CHỨNG
Bệnh thán thư trên cây ớt do nấm Colletotrichum spp. gây ra.
Ngành: Ascomycota
Lớp: Deuteromycetes
Bộ: melanconiales
Họ melanconiaceae.
Bệnh thán thư trên ớt gây hại trên tất cả các bộ phận của cây ớt: thân, lá, quả và hạt. Tuy nhiên bệnh phát triển mạnh và gây hại nặng vào giai đoạn quả già chín. Khi bệnh mới phát sinh, lúc đầu vết bệnh là những đốm nhỏ, hơi lõm xuống, vết bệnh trên quả thường hơi ướt.
Thân: Trên thân vết bệnh có hình thoi, hơi lõm, ranh giới giữa mô bệnh và mô khỏe là một đường màu đen chạy dọc theo vết bệnh. Trên bề mặt vết bệnh có những chấm đen nhỏ.
Lá: Vàng úa, có chấm đen lớn trên lá
Quả: Xuất hiện những vết lõm lớn ướt nhũn, màu đen. Bệnh nặng sẽ bị teo và khô đen cả quả. Bên trong có nhiều vòng đồng tâm và có những chấm nhỏ li ti màu đen, làm cho trái teo lại, có thể bị rụng.
Trong một số trường hợp khác, bệnh thán thư trên ớt có thể phát triển như một đốm màu hơi đỏ tía hoặc nâu, là không có sự hình thành vết bệnh rõ ràng. Thân và cuống lá có thể bị bong vỏ. Chồi bị hại có màu nâu đen. Cụm hoa bị tàn lụi và chết đen khi bệnh phát triển mạnh, làm cho cây bị chết dần hoặc cây còi cọc, chậm phát triển. Trên cây nhiễm bệnh trái thường ít, chất lượng trái kém.
2. ĐIỀU KIỆN PHÁT SINH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA BỆNH
Nguồn của bệnh thán thư trên ớt là sợi nấm và bào tử tồn tại trên hạt giống hoặc tàn dư của cây bệnh. Bệnh thâm nhập vào đồng ruộng từ việc trồng các cây bị nhiễm bệnh hoặc bệnh lan truyền từ vụ này qua vụ khác do tàn dư cây bệnh trên ruộng hoặc trên cỏ dại và các ký chủ phụ khác như cây cà chua, khoai tây
Nhiệt độ thích hợp cho nấm gây bệnh thán thư trên ớt phát triển mạnh là 28-30 độ. Bào tử nấm phát tán theo gió, côn trùng, nước mưa và nước tưới trên ruộng (đặc biệt là kiểu tưới rãnh) hoặc lan truyền từ dụng cụ làm ruộng.
Đặc biệt, ở những ruộng ớt mất cân đối dinh dưỡng, trũng thấp, thoát nước kém, bón nhiều đạm bệnh sẽ phát sinh bệnh thán thư trên ớt, phát triển và gây hại nặng.
Trước đây, bệnh thán thư trên ớt chủ yếu gây hại trong mùa mưa và khi trái đã già chín trở đi. Tuy nhiên thời gian gần đây bệnh đang có chiều hướng phát sinh và gây hại sớm hơn ngay cả khi trái còn non, làm cho trái non bị rụng do trồng ớt liên tục trong nhiều năm. Bệnh có thể gây hại nặng ngay cả trong mùa khô nếu gặp điều kiện ẩm độ cao (do sương mù nhiều hay tưới nước nhiều, tưới liên tục).
3. BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ
3.1 Biện pháp canh tác
Vệ sinh đồng ruộng, thu gom trái và cành nhánh của cây bị bệnh đem tiêu huỷ.
Chọn giống chống chịu tốt với bệnh, không lấy hạt từ ruộng đã bị bệnh làm giống.
Trồng ớt với mật độ hợp lý, không trồng quá dày, ruộng thông thoáng khô ráo, cần luân canh với những cây trồng khác.
Bón phân cân đối, không bón quá nhiều phân đạm, trộn đều NPK với Super Humic fulvic (10 kg/ha) bón lót trước khi trồng và bón thúc giúp ra rễ mạnh, cây chắc khỏe. Vào thời điểm 15-30 ngày sau trồng, bà con nên phun Caxi bo và trung vi lượng cho lá đứng, dày cứng tăng sức đề kháng với nấm bệnh từ đó hạn chế được bệnh thán thư.
3.2 Biện pháp hóa học
Thường xuyên theo dõi khi thấy dấu hiệu bệnh xuất hiện thì phun thuốc kịp thời với hỗn hợp Agrilife 100SL và Envio 250SC (25 ml + 25 ml/ 25 lít), MAP Rota 50WP( 400 – 500 lít/ha. Phun thuốc khi tỷ lệ bệnh khoảng 5-10%, và phun lặp lại lần 2 nếu thấy bệnh chưa dứt hẳn.