Xác định các loại phân dùng để bón lót cho cây trồng để xây dựng một môi trường đất lí tưởng (tơi xốp, nhiều chất hữu cơ, thông thoáng) tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng, phát triển tốt giai đoạn cây con. Ngoài ra, khi dùng phân bón lót cho cây trồng còn giúp tiết kiệm 15% chi phí phân bón cho mỗi mùa vụ.
Các loại phân dùng để bón lót cho cây
- Phân hữu cơ hoai mục
- Phân hữu cơ truyền thống (phân chuồng, phân mục, phân bắc,…)
- Phân hữu cơ công nghiệp
- Hóa chất khác: Vôi, P2O5,…
Tại sao cần bón lót trước khi trồng cây con?
Ở hầu hết các loại cây trồng, khi mới xuống giống gieo trồng ngoài đồng (rau màu, cây lương thực,…). Lúc này lá nhỏ, bộ rễ tơ non yếu, thường phải trải qua từ 7-10 ngày cây mới chuyển sáng giai đoạn hồi xanh.
Lúc này bộ rễ mới dần phát triển, các lông hút mới thực hiện được chức năng của mình là hút các chất khoáng vô cơ cung cấp chất dinh dưỡng cho cây.
Viêc cung cấp các loại phân bón lót cho giai đoạn này rất quan trọng. Tuy nhiên không thể tiến hành bón thúc ngay các loại phân vô cơ vì rất dễ gây ra hiện tượng cháy phân, rễ non bị tổn thương gây chết cây. Cũng không thể sử dụng các loại phân bón hữu cơ, cây trồng không thể hấp thu ngay được bởi vì sau 1 thời gian phân bón hữu cơ mới phân giải thành các chất khoáng, dạng chất dinh dưỡng mà cây trồng sử dụng.
Vì vậy cần bón lót trước khi trồng để xây dựng một môi trường đất lí tưởng cho cây sinh trưởng, phát triển tốt trong giai đoạn cây con.
Lợi ích khi sử dụng các loại phân dùng để bón lót
- Dự trữ chất dinh dưỡng trong đất
- Nâng cao CEC đất
- Nâng pH đất
- Tăng khả năng giữ nước của đất
- Giúp đất tơi xốp
- Là nguồn thức ăn cho vi sinh vật đất sinh sôi, phát triển
Các loại phân dùng để bón lót cho cây trồng
Phân hữu cơ
Vai trò của phân hữu cơ
Bổ sung mùn cho đất: Phân hữu cơ là nguồn bổ sung mùn không thể thay thế cho đất, trong khi bón phân khoáng không có khả năng bổ sung hoặc làm ổn định lượng mùn trong đất.
Cải tạo hàm lượng chất hữu cơ trong đất: Trong quá trình phân giải, hoà tan chất dinh dưỡng khó tan trong đất cung cấp cho cây, chất hữu cơ do phân hữu cơ phân giải, kết hợp với các dinh dưỡng khoáng thành các phức hệ hữu cơ – vô cơ giúp làm giảm khả năng rửa trôi các chất dinh dưỡng này.
Tăng độ ổn định của kết cấu đất, bảo vệ được cấu trúc đất, chống lại sự xói mòn đất. Đồng thời có ảnh hưởng tốt tới các tính chất vật lý khác của đất như giữ ẩm đất, điều tiết chế độ nhiệt của đất ổn định với nhiệt độ không khí, cải thiện chế độ không khí trong đất.
Cải tạo đặc tính sinh học của đất: Bón phân hữu cơ vào đất, tạo điều kiện cho tập đoàn vi sinh vật đất phát triển mạnh, do tác dụng cung cấp thức ăn cho vi sinh vật ở thể khoáng và nguồn chất năng lượng là các chất hữu cơ.
Một số phân hữu cơ như: phân chuồng gia súc, phân gia cầm có chứa nguồn VSV rất đa dạng và phong phú. Một số hoạt chất sinh học được hình thành trong phân hữu cơ (chất kích thích sinh trưởng, kháng sinh) có tác động tốt tới sinh trưởng cây trồng.
Cung cấp dinh dưỡng cho cây: Cung cấp chất dinh dưỡng hữu cơ, vô cơ cho cây. Tuy nhiên cần phải qua quá trình phân giải chất hữu cơ thành chất vô vơ cây mới có thể hấp thụ được, quá trình này diễn ra nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào lượng VSV có trong đất.
Phân hữu cơ truyền thống
Có thể dùng các loại phân chuồng: gà, bò, heo, cút… để bón lót . Tuy nhiên phân chuồng cần được sử dụng phải là loại phân đã được ủ hoai mục. Tuyệt đối không sử dụng phân chuồng tươi để bón cho cây trồng.
Phân hữu cơ công nghiệp
Phân hữu cơ nhập khẩu: Các dòng phân hữu cơ nhập khẩu, hàm lượng chất hữu cơ cao. Được chiết xuất từ các loại rong tảo biển, bổ sung chất đa trung vi lượng, acid humic, acid fulvic,… (ORGANIC EXTRA, ORGANIC GOLD, TOPMIX,… ) Việc sử dụng các loại dòng phân hữu cơ này hiện nay được chú ý đến ngày càng nhiều. Nhất là trên các loại cây ăn trái.
Phân vi sinh: Là loại phân bón chứa các vi sinh vật hữu ích với mật số cao. Khi bón vào đất vi sinh vật sẽ phát triển, chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong đất theo chiều hướng có lợi cho sự hấp thu của cây trồng.
Các loại phân vi sinh phổ biến hiện nay chủ yếu là các loại phân chứa vi sinh vật cố định đạm, vi sinh hòa tan lân trong đất như vi khuẩn Rhizobium, vi khuẩn cố định đạm Azotobacter, Phosphobacterin. Đây cũng là một trong những lựa chọn được ưu tiên hiện nay trong việc bón lót cho cây trồng.
Lân (P2O5)
Lân là nguyên tố đa lượng, tạo nhân tế bào rất cần cho việc tạo bộ phận mới của cây. Kiến tạo hoạt chất hình thành mầm hoa, phân cành, ra hoa, đậu quả. Tham gia vào quá trình phát triển bộ rễ, quá trình quang hợp và hô hấp.
Ảnh hưởng đến sự vận chuyển đường bột tích lũy về hạt và các bộ phận của chất nguyên sinh. Giúp cây tăng khả năng chống chịu với các điều kiện bất thuận khác như hạn, úng, sâu bệnh.
Tuy nhiên lân ở dạng khó tan nên cần 1 thời gian phân hủy thì cây mới hấp thu được. Vì vậy để bổ sung lân cho cây con cần tiến hành bón lót trước cho cây trồng.
Vôi
Vôi là một hợp chất bón lót trước khi trồng truyền thống và phổ biến ở nước ta. Với thành phần chủ yếu là hợp chất của canxi. Có nhiều loại vôi được sử dụng để bón lót như: vôi bột, vôi nung, vôi sống,….
Vai trò của vôi:
- Giảm tính độc của Al, Mn…. Nâng pH đất
- Tăng khả năng hữu dụng của lân.
- Tăng khả năng hữu dụng và giảm khả năng gây độc của nhiều nguyên tố vi lượng.
- Tăng tiến trình nitrate hóa,
- Tăng khả năng cố định đạm sinh học,
- Cải thiện tính chất vật lý của đất,
- Hạn chế 1 số tác nhân gây bệnh cho cây (nấm, khuẩn).
Bón vôi giúp nâng pH đất, tiêu diệt các nấm bệnh gây hại tồn tại trong đất. Việc bón vôi cải tạo đất trước khi trồng là rất cần thiết.