Nông dân trồng lúa tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp cho biết chi phí canh tác tăng hơn 20% nhưng giá lúa giảm về quanh 5.000 đồng một kg, nguy cơ bị thua lỗ.

Tại An Giang, ông Nguyễn Thọ Trường, trồng 10 ha lúa Hè Thu giống OM5451 tại xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn cho biết. Nửa tháng trước khi cắt lúa, thương lái thỏa thuận mua với giá 5.700 đồng một kg và đặt cọc 200.000 đồng một công (1.000 m²). Khi đến ngày thu hoạch, thương lái đòi giảm giá còn 5.200 đồng một kg với lý do ảnh hưởng dịch Covid-19, vận chuyển khó, giá gạo giảm.

Khi cắt lúa xong, thương lái tiếp tục ép giá, chỉ mua 5.000 đồng một kg nếu không sẽ bỏ cọc. Với tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” này, nếu không bán cho thương lái cũ thì khó tìm người mua mới, trong khi lúa đã cắt rồi, để lâu sẽ càng mất giá.

“Vụ này phân thuốc tăng giá, chi phí cũng tăng ít nhất 20% nhưng giá lúa bán ra lại giảm nên ai làm đạt năng suất cao mới có lời, còn ai thuê đất cầm chắc lỗ”. ông Thọ nói và cho rằng, trong thời buổi dịch bệnh như hiện nay, bán được lúa đã là may rồi.

Chung tình cảnh, hơn 10 ha lúa OM5451 của ông Nguyễn Văn Xuyến, tại xã Tân Phú, huyện Châu Thành còn một tuần nữa sẽ thu hoạch. Ông liên hệ nhiều thương lái nhưng đều cho giá rất thấp, nếu bán sẽ lỗ.

Ông Xuyến tính toán với 5 ha đất nhà, 5 ha đất thuê, giá 5 triệu đồng một công, nếu bán lúa với giá 4.800 – 4.900 đồng một kg chỉ đủ tiền chi phí sản xuất, lỗ tiền thuê đất. Ông bàn với gia đình sẽ tìm lò sấy lúa, trữ lại đợi giá tăng nhưng việc thuê nhân công thời điểm này rất khó. “Nhân công bóc vác phải có xét nghiệm âm tính mới được làm việc mà họ cũng không lãnh nữa. Không biết làm sao luôn”, ông Xuyến lo lắng.

Theo nhiều nông dân, việc thỏa thuận mua bán với thương lái nông dân luôn “nắm đằng lưỡi”. Tiền cọc lúa thương lái đưa trước rất ít, tương đương 200 đồng một kg. Nếu giá lúa tăng, nông dân vẫn bán giá cũ còn nếu giảm nông dân buộc phải giảm chứ không thương lái sẽ ngưng mua và sẵn sàng bỏ cọc.

Nông dân huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu ngay thời điểm các tỉnh miền Nam giãn cách xã hội nên việc bán lúa chậm và giá giảm hơn trước.
Nông dân huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu ngay thời điểm các tỉnh miền Nam giãn cách xã hội nên việc bán lúa chậm và giá giảm hơn trước.

Giá lúa tại tỉnh Đồng Tháp cũng đang giảm

Giá lúa tại tỉnh Đồng Tháp cũng đang giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó nếp giảm sâu nhất còn 4.400 – 4.550 đồng một kg (giảm 1.450 – 1.600 đồng một kg). Lúa IR 50404 giá 4.400 – 4.500 đồng một kg (giảm 500 – 650 đồng một kg), giống OM 18 giao động 5.800 – 6.200 đồng một kg (giảm 100 – 200 đồng một kg)….

Ông Nguyễn Văn Văn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tri Tôn, An Giang thừa nhận có xảy ra tình trạng lúa bán chậm, thương lái dời ngày cắt và xin giảm giá. Cụ thể, giá lúa giảm hơn 1.000 đồng một kg so với nửa tháng trước, lúa IR50404 còn 3.800 – 4.200 đồng một kg, lúa OM 5451 còn 4.600 – 4.700 đồng một kg, lúa OM 18 còn 5.600 – 5.800 đồng một kg. Giá thương lái bán gạo cho các kho của tỉnh An giang cũng giảm trên 1.000 đồng một kg.

“Vẫn có thương lái đi thu mua nhưng giá giảm mạnh. Một số thương lái chỉ thu mua lúa khô, tuy nhiên trên địa bàn huyện hiện thiếu lò sấy lúa nên dân khó bán”. ông Văn cho biết.

Lý giải giá lúa giảm, ông Huỳnh Tất Đạt, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho rằng, do ảnh hưởng đại dịch. Việc vận chuyển nông sản gặp khó khăn, thương lái mua hạn chế, giá bán lúa có chiều hướng giảm. Đặc biệt các cơ sở xay xát, chế biến tạm dừng hoạt động. Do không đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” dẫn đến việc tiêu thụ lúa rất khó khăn. Nhưng vẫn có thương lái, doanh nghiệp tổ chức thu mua lúa, chưa có trường hợp lúa không bán được.

Giải pháp trước mắt để tháo dỡ khó khăn tại An Giang

Để tháo gỡ khó khăn do thiếu nhân công bóc vác lúa, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tri Tôn kiến nghị UBND tỉnh. Đưa đối tượng này vào danh sách hỗ trợ kinh phí xét nghiệm nhanh vì những người làm nghề bóc vác đa phần là lao động khó khăn, khả năng không thể kham nỗi chi phí xét nghiệm.

Về phía doanh nghiệp thu mua cũng bị ảnh hưởng do không chủ động được thời gian, cắt giảm lao động, chi phí xét nghiệm, phòng chống dịch tăng. Bên cạnh đó, lúa Hè Thu cắt trong thời điểm này ảnh hưởng thời tiết mưa nhiều, lúa đổ ngã nên chất lượng giảm so với các vụ khác. Giá giảm là tình hình chung của các năm qua.

Để đẩy mạnh tìm đầu ra cho nông dân, chiều 3/8, UBND tỉnh An Giang có buổi làm việc với các doanh nghiệp như Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Tân Long và các huyện, thị.

UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần có giải pháp, tạo thuận lợi cho việc thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nhưng đảm bảo các quy định phòng dịch bệnh Covid-19. Tập đoàn Lộc Trời sẽ tài trợ test nhanh xét nghiệm Covid-19, hệ thống y tế cơ sở hỗ trợ test nhanh miễn phí cho lực lượng tham gia thu hoạch, thu gom nông sản.

Ông Trần Anh Thư, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, khẳng định năng lực thu mua của doanh nghiệp trong tỉnh và kết nối doanh nghiệp ngoài tỉnh. Sẽ giải quyết hết số lúa cho nông dân, không để bị ùn ứ.

“Với những doanh nghiệp trong tỉnh, UBND tỉnh sẽ bàn biện pháp thuận lợi nhất để họ mua lúa của người dân. Với doanh nghiệp ngoài tỉnh sẽ tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn như cấp mã nhận diện, giống xe “luồng xanh” để vận chuyển thông suốt, cũng như tạo điều kiện xét nghiệm nhanh”. ông Thư cho biết.

Ngoài ra, tỉnh An Giang sẽ căn cứ vào tình hình thực tế của từng khu vực, từng giống lúa, chi phí logistics,… sẽ đưa mức giá sàn. “Nếu có trường hợp thương lái mua thấp hơn mức giá này tức có biểu hiện “ép giá” thì cơ quan chức năng sẽ xử lý, can thiệp cụ thể”, ông Thư thông tin.

 Lúa được chất ở đường chờ đưa đi tiêu thụ.
Lúa được chất ở đường chờ đưa đi tiêu thụ.

Đồng Tháp cũng đang tìm ra hướng giải quyết

UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã thành lập tổ công tác, bộ phận giúp việc hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ, lưu thông nông sản và nguyên vật liệu đầu vào. UBND huyện, thành phố rà soát, thống kê diện tích lúa Hè Thu dự kiến thu hoạch. Chủ động liên hệ, trao đổi với các thương lái cũng như kết nối với các kênh tiêu thụ khác để thống kê nhu cầu. Tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp sấy, xay xát có thể hoạt động trở lại.

Đồng Tháp và An Giang là hai tỉnh có diện tích sản xuất lớn của Đồng bằng sông Cửu Long. Vụ Hè Thu các tỉnh xuống giống khoảng 1,5 triệu há lúa, riêng 2 tỉnh này chiếm khoảng 30% diện tích toàn vùng.

Tính đến ngày 3/8, 120.000 ha lúa Hè Thu của tỉnh An Giang đã thu hoạch chiếm hơn 50% diện tích xuống giống. Năng suất 5,8 tấn mỗi ha, sản lượng gần 700.000 tấn (trong đó lúa nếp chiếm 10% diện tích).

Tại Đồng Tháp, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, toàn tỉnh đã thu hoạch 160.000 ha đạt 85% diện tích xuống giống. Trong tháng 8, sản lượng thu hoạch hơn 440.000 tấn, trong đó nếp chiếm 15%. Chủ yếu tập trung ở các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình và thành phố Hồng Ngự.

Nguồn: Tin tức nông nghiệp

BÀ CON XEM THÊM MỘT SỐ TIN TỨC MỚI TẠI ĐÂY.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận