Giá nông sản trên thế giới liên tục tăng cùng với chi phí vận chuyển, cước tàu… đẩy giá phân bón tăng mạnh nửa đầu năm nay.
Đây là một trong những lý do được Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Thanh nêu ra tại Hội nghị trực tuyến về đề xuất giải pháp bình ổn thị trường phân bón diễn ra sáng 11/8.
Lí do giá phân bón tăng
Theo ông Thanh, từ tháng 7/2020 đến nay, giá phân bón bắt đầu phục hồi và có chiều hướng tăng cao, có sản phẩm tăng tới trên 80%. Nguyên nhân là giá nông sản thế giới liên tục tăng, (điển hình là giá gạo) kết hợp với tình hình thời tiết thuận lợi. Đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, kèm theo đó là nhu cầu phân bón.
Bên cạnh đó, Covid-19 được kiểm soát ở mức độ nhất định tại các thị trường lớn như Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… đã khiến nhu cầu đối với nhiều mặt hàng này phục hồi nhanh. Trong khi đó, chi phí vận tải trong nước và thế giới, nhất là cước tàu biển… cũng góp phần tăng giá phân bón.
Lý giải thêm về điều này, ông Bùi Thế Chuyên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem) cho rằng chi phí sản xuất cũng là một vấn đề.
“Giá phân bón tăng do mất cân bằng cung cầu là không đúng. Mà nguyên nhân chính là do chi phí sản xuất 7 tháng đầu năm tăng rất cao như lưu huỳnh tăng 170%, amoniac tăng gấp 2 lần… khiến giá đầu vào tăng. Cùng với đó, là sự gia tăng của chi phí vận chuyển và những tác động tiêu cực đến từ đại dịch Covid-19”, ông Chuyên dẫn chứng.
Theo ông Chuyên, nguồn cung không thiếu so với nhu cầu, Vinachem sản xuất 90% phân lân chế biến, tiêu thụ 440.000 tấn, tăng 26,2%. URE công suất chiếm 40% cả nước, sản xuất 457.000 tấn, tăng hơn 20%. DAP công suất chiếm 100%, sản xuất 357.000 tấn, tăng 97%; NPK 965%, tăng 65%… tổng lượng là 2 triệu tấn đều có mức tăng cao so với năm 2020.
Đề xuất doanh nghiệp
Ông Bùi Thế Chuyên đề xuất, trước mắt, để bình ổn thị trường phân bón cần tập trung tháo gỡ vấn đề lưu thông, vận chuyển. Về lâu dài, cần giảm chi phí sản xuất, dù vẫn phải chấp nhận giá cao đối với một số nguyên liệu nhập khẩu đầu vào. Bình ổn giá các mặt hàng nguyên liệu sẵn có trong nước như than cho sản xuất URE, amoniac cho sản xuất DAP…
Ông Văn Tiến Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau cho biết, trong nước đã hạn chế xuất khẩu từ đầu năm, nhà máy đã gia tăng tất cả năng lực sản xuất. Duy trì 100-110% công suất, nhưng quy luật về giá không thể khác được với thị trường thế giới. Thực tế, giá phân bón trong nước không phải do nhà sản xuất quyết định mà do thị trường thế giới ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp.
Tháo dỡ khó khăn
Đáp lại đề xuất của doanh nghiệp, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh ghi nhận và đề nghị đảm bảo đủ nguồn cung phân bón phục vụ cho việc sản xuất trong nước. Đồng thời, doanh nghiệp nên chia sẻ khó khăn với bà con nông dân bằng nhiều biện pháp khác nhau.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định, phân bón là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Nhưng việc bình ổn sẽ rất khó khăn khi nguyên nhân tăng giá chủ yếu là giá nguyên liệu tăng. Việc áp dụng các quy định hành chính vào thị trường khi Việt Nam đã có những cam kết quốc tế càng khó khả thi. Mặc dù vây, hai ngành Công Thương và Nông nghiệp sẽ cố gắng đề xuất với Thủ tướng một số giải pháp góp phần hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với bà con nông dân.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng sản xuất phân bón các loại đạt khoảng 4,69 triệu tấn phân bón vô cơ các loại. Tăng 11,7% so cùng kỳ 2020. Trong đó, lượng phân bón nhập khẩu đạt khoảng 2,31 triệu tấn, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2020. Lượng phân bón xuất khẩu khoảng 667.000 tấn, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Từ đầu năm đến nay, giá phân bón tăng trung bình 50-73%, thậm chí có loại tăng 83%, như phân urê Cà Mau tăng 72%, DAP Đình Vũ tăng 67,3%, NPK Bình Điền tăng 24,3% …
Nguồn: Tin tức nông nghiệp
BÀ CON XEM THÊM MỘT SỐ BÀI VIẾT KHÁC TẠI ĐÂY.