Quy trình xử lý ra hoa sầu riêng rất quan trọng, có thể quyết định 30-50% năng suất sau này. Theo đó cần phải xử lý đúng quy trình kỹ thuật canh tác. Tuy nhiên cũng  tuỳ  theo mùa vụ, là mùa thuận hay mùa nghịch sẽ có quy trình làm bông khác nhau. Trong bài viết này chúng ta sẽ tìm  hiểu về Quy trình xử lý hoa sầu riêng vào mùa thuận.

I. GIAI ĐOẠN 1: ỨC CHẾ TẠO MẦM HOA

Tháng 12 đến tháng 1 hằng  năm là thời điểm cây ra hoa, nếu lúc này cây ít hoặc chưa ra mầm hoa thì cần xử lý ra hoa bằng cách xiết nước kết hợp bón phân NPK cho cây phân hoá mầm.

1.Xiết nước

Cách thức: Bà con cần dọn sạch cỏ rác trong và ngoài tán cây nhằm tạo độ thông thoáng tốt, đất nhanh khô.

Thời gian xiết nước ức chế tạo mầm hoa trong khoảng 28 – 30 ngày. 

Nếu đất có hiện tượng khô, cây có biểu hiện héo mà chưa ra mầm hoa?

Cần tưới nhẹ qua 1 lần nước. Rồi tiếp tục xiết nước tạo khô hạn, chờ cây ra hoa đều, tập trung thì chọn đợt hoa đó.  Đồng thời tỉa bỏ hết số hoa đã ra trước hoặc sau đó, để mục đích trên cùng 1 cây, thời gian thu hoạch quả không kéo dài quá 15 ngày. Tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ cây sau thu hoạch. 

2. Phun NPK

Sau khi xiết nước 2 – 3 ngày tiến hành phun NPK với hàm lượng Lân và Kali cao để kích thích ra nhiều bông, đồng loạt.

Có thể sử dụng: Phân bón NPK 10-60-10 hoặc NPK 10-60-20, với liều lượng gấp đôi bao bì hướng dẫn. Xịt 2 lần, mỗi lần xịt cách nhau 7 ngày.

II. GIAI  ĐOẠN 2: TỪ LÚC CÂY RA HOA  ĐẾN KHI HOA XỔ NHUỴ 

Trong giai đoạn này cần xử lý ra hoa bằng cách kết hợp tưới nước, bón phân, cơi đọt và tỉa hoa. Đồng thời, cần kết hợp với các  biện pháp phòng trừ sâu bệnh và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh. Theo đó, xử lý kịp thời khi cây kém phát triển hoặc phát triển quá mức về thân, lá, cành, trong khi hoa nhỏ, chậm lớn. 

1.Tưới nước

Sau khi cây ra mắt cua hoàn chỉnh (mắt cua sáng ra dài tầm 3-4 phân), thì cây cần nước để tiếp tục sống, phát triển và nuôi bông. Lúc này cần tưới lại nước cho cây. Lưu ý tưới nhẹ bằng 1/3 lượng nước tưới thông thường và không nên tưới sớm, vì:

  • Các bông ở đầu cành phát triển mạnh. Theo đó khi trái lớn dễ bị gãy cành, gió quật làm tổn thương các cành xung quanh và khó thu hoạch.
  • Mầm hoa dễ rơi vào trạng thái ngủ, không nở đều gây mất sản lượng.
  • Kích thích phát triển lá, lúc này dinh dưỡng tập trung nuôi lá làm hoa nhỏ, yếu.

Cách tưới: 

Tưới xòe đều nước chầm chậm từ bên ngoài tán vào bên trong cho đến khi nước vừa chảy tràn trên mặt đất. Ưu tiên tưới bên dưới tán cây vì nơi đó tập trung rất nhiều rễ tơ hút nước. Tưới lần tiếp theo: Sau 2-5 ngày, khi thấy lớp đất mặt bắt đầu khô.

2. Bón phân:

Khi nhú mắt cua được 1 tuần – nụ hoa hình thành rõ, cây rất cần các nguyên tố trung lượng, vi lượng để hình thành hạt phấn và tạo độ dai chắc cho cuống hoa. Giai đoạn này khuyến cáo sử dụng phân bón lá thay vì phân bón gốc, vì bón gốc rất dễ làm ra lá non ở các chùm bông.

Có thể sử dụng: phân bón lá Nutri Pro Amino 4500 kết hợp với phân bón NPK 20 – 20 -15. Phun định kỳ, 7-10 ngày thì tiến hành phun một lần.

PHÂN BÓN LÁ NUTRI PRO AMINO 4500PHÂN BÓN NPK 20-20-15

3. Phun canxi bo tăng đậu trái:

Đặc biệt vào thời điểm trước khi hoa nở 3 – 5 ngày thì tiến hành phun Canxi – Bo để tăng tỉ lệ đậu trái cho cây sầu riêng.

Cách xác định thời điểm trước khi hoa nở từ 3 – 5 ngày: là ngày 52 – 50 kể từ khi cây tạo mầm hoa. Vì thời gian trung bình kể từ khi cây nhú  mầm hoa đến khi hoa nở là khoảng 55 ngày.

Có thể sử dụng thuốc đậu trái Boron 15% Organic để nuôi dưỡng bông, tăng đậu trái, nuôi trái non.

Thuốc đậu trái Boron 15% Organic

4. Cơi đọt:

Khi hoa xuất hiện từ 7 -10 ngày (hoa dài 4 -5 cm), cây cần tiếp tục quá trình sinh dưỡng để phát triển nuôi trái sau này.  Lúc này tiến hành cơi đọt bằng cách phun Gibberellin ở nồng độ 10 (1gr/100 lít nước) hay bón phân bón lá có NPK (2:1:1 hay 3:1:1) để kích thích ra đọt non.

Cơi đọt vào thời điểm này sẽ không có sự cạnh trạnh giữa hoa & đọt non. Việc này rất quan trọng vì khi cây tiếp tục phát triển mới có đủ chất dinh dưỡng nuôi trái sau này.

Có thể sử dụng Kích Phát Tố – Kéo Vọt Bông

5. Tỉa hoa 

Tỉa hoa nhằm mục đích loại bỏ hoa ở vị trí không cần thiết.

Tỉa lần 1 vào thời điểm khi chùm hoa hình thành 3-5cm.

Cách làm:

Đối với cành cấp 1:

Vị trí để chùm hoa đầu tiên cách thân từ 0,5-1,8m tùy tuổi cây. Cây càng lớn, cành ở dưới thấp thì vị trí để chùm hoa đầu tiên càng cách xa thân. Nếu để hoa/quả gần thân thì phát triển rất kém.

Đối với cành cấp 2

Giữ lại những chùm hoa ở vị trí cành to, ở nách cành. Hoa to khỏe, hướng xuống dưới.

Không để hoa ở đầu cành, vì nếu đậu quả dễ bị gió giật gây tổn thương các cành lân cận và khó thu hoạch.

Có thể để 4-10 chùm hoa/cành (tùy sức khỏe của cành). Khoảng cách các chùm bông từ 20-25cm.

Tỉa lần 2: Để bỏ bớt hoa trong một chùm, khi hoa dài khoảng 8-10cm.

Giữ lại không quá 10 hoa/chùm, hoa tròn, mập, cuống khỏe, không bị nhiễm sâu bệnh.

III. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH TRONG QUY TRÌNH LÀM BÔNG

Sau khi mắt cua đã ra hoàn toàn cần phun thuốc phòng trừ sâu bệnh.  Một số bệnh hại thường suất hiện trong giai đoạn này như: sâu ăn bông, rầy chít bông, bọ giò voi đặc biệt là bệnh thán thư. Bà con cần phun ngừa bệnh định kì 10-15 ngày/lần.

Hoạt chất thuốc phun có thể sử dụng như: Matalaxyl hoặc Matalaxyl+Mancozeb hoặc Hexaconazole hoặc Difenoconazole+Azoxylstrobin hoặc Difenoconazole+Probiconazole.

Theo đó có thể sử dụng kết hợp 2 sản phẩm Mancozeb 800WP (thuốc trừ nấm bệnh gốc hoá học) và thuốc trừ nấm sinh học Agrifos (thuốc trừ nấm bệnh gốc sinh học) để đạt hiệu quả cao nhất.

Thuốc trừ nấm bệnh MANCOZEB 800WPThuốc trừ nấm Agri-fos 640

IV. MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CẦN LƯU Ý TRONG QUY TRÌNH XỬ LÝ RA HOA 

  1. Khi mầm hoa xuất hiện mà trời mưa thì phun thuốc phòng bệnh khô mầm hoa như Antracol 70WP.
  2. Trường hợp cây đang ra nụ mà cây ra đọt non, sử dụng NPK 20-20-20. Xịt liên tục cho đến khi lá già mới thôi (7-10 ngày/lần xịt).
  3. Trường hợp hoa xả nhị mà cây ra đọt non thì phun phân MKP 0-52-34 để hạn chế đọt non phát triển. Tránh tình trạng cạnh tranh dinh dưỡng giữa lá và quả non gây rụng quả non.
  4. Thời kì sau khi cây nhú mắt cua cây rất suy (phải rút cạn sinh lực để ra hoa). Do đó rất dễ bị nấm xì mủ tấn công. Quý bà con cần kiểm tra vườn thường xuyên để phát hiện và xử lý kịp thời.

Như vậy, trong quy trình xử lý ra hoa sầu riêng muốn đạt hiệu quả cao, bà con cần: Can thiệp đúng thời điểm để xử lý giúp cây ra hoa đồng loạt; Tưới nước, bón phân hợp lý giúp mầm hoa phát triển khoẻ mạnh; Sử dụng chất điều hoà sinh trưởng/thuốc phòng trừ sâu bệnh hiệu quả để dưỡng hoa to, cuống khoẻ; Khắc phục kịp thời khi cây gặp các điều kiện bất lợi, phát triển ngoài ý muốn để tăng tỷ lệ đậu trái.

VINASA luôn sẵn sàng hỗ trợ tư vấn kỹ thuật miễn phí cho bà con trong quá trình chăm sóc cây trồng. Hãy liên hệ cho chúng tôi qua hotline 0901.21.24.26 hoặc FanpageTập Đoàn Công Nghệ Nông Nghiệp Vinasa để được tư vấn thông tin chi tiết.

Xem thêm bài viết kỹ thuật khác TẠI ĐÂY

Vinasa kính chúc bà con có một mùa vụ bội thu!

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận