Giá sầu riêng tại Đắk Lắk rớt hơn một nửa so với năm ngoái nhưng nhiều chủ vườn lo lắng vì thương lái không đến thu mua.

Đắk Lắk đang bắt đầu bước vào vụ thu hoạch sầu riêng, tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 việc tiêu thụ khó khăn. Hàng trăm tấn chưa tìm được đầu ra.

Sầu riêng giá thấp kỷ lục

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Đắk Lắk, địa phương có 12.224 ha sầu riêng, trong đó diện tích cho sản phẩm 5.216 ha, sản lượng 103.209 tấn. Sầu riêng được trồng khá phổ biến ở tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh, nhưng tập trung nhiều ở các huyện Krông Pắk, Krông Năng, Buôn Hồ, Cư M’gar.

Ông Trần Nhất Duy (ngụ xã Ea Phê, huyện Krông Pắk), cho biết gia đình có hơn 3 tấn sầu riêng Ri6 đã đến vụ thu hoạch. Tuy nhiên, ông Duy lo lắng vì ảnh hưởng dịch bệnh thương lái miền Tây không đến cắt hàng như mọi năm.

“Hiện người trồng đang thấp thỏm, đứng ngồi không yên, vì nếu không cắt kịp thì cây nuôi không được và sang năm cây yếu, năng suất sẽ đạt thấp”, ông Duy lo lắng.

Giá sầu riêng Ri6 thấp hơn một nửa so với năm ngoái nhưng không có thương lái đến mua
Giá sầu riêng Ri6 thấp hơn một nửa so với năm ngoái nhưng không có thương lái đến mua

Bà Nguyễn Thị Phụng (thương lái), cho biết năm ngoái giờ này hàng Ri6 là 50.000 – 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch năm nay giảm một nửa mà vẫn không ai dám ôm hàng, vì dịch bệnh, xe vận chuyển khó khăn.

“Giá Ri6 hạ một nửa còn sầu riêng truyền thống thì rụng đầy vườn không ai quan tâm. Các nhà vườn phải đem bán dọc các con đường với giá từ 10.000 – 15.000 đồng/kg”, bà Phụng nói.

Theo Hội cây ăn quả của tỉnh Đắk Lắk, hiện nay sản lượng sầu riêng Ri6 và sầu riêng truyền thống của các hội viên tầm 1.000 tấn.

Hiện giờ các tỉnh đều thực hiện Chỉ thị 16 nên xe vận chuyển trái cây không vào được tỉnh. Trong khi Đắk Lắk lại không có kho cấp đông đủ lớn để dự trữ, bảo quản sản phẩm hỗ trợ cho nông dân. Hiện sầu riêng của bà con rụng nhiều nhưng không ai mua.

Xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho nông dân trồng sầu riêng

Hiện nay, các loại sầu riêng như Dona da xanh, Monthoong, Ri6… trồng tại Đắk Lắk phần lớn được doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, Trung Quốc càng kiểm soát chặt hơn quy trình nhập khẩu nông sản nên tình hình xuất khẩu của tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng phòng NNPTNT huyện Krông Pắk, cho biết địa phương đã đề xuất với Sở Công Thương, Sở NNPTNT tỉnh xây dựng giải pháp hỗ trợ tiêu thụ cho bà con trong trường hợp dịch bệnh.

 Nhiều tiểu thương không dám trữ sầu riêng nhiều vì dịch bệnh hàng hóa không thể lưu thông
Nhiều tiểu thương không dám trữ sầu riêng nhiều vì dịch bệnh hàng hóa không thể lưu thông

Từ đó, Sở tổng hợp các số liệu về sản lượng các nông sản chính cần kết nối tiêu thụ để có phương án tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ, vận chuyển nông sản trên địa bàn tỉnh.

“Sở đã yêu cầu UBND cấp huyện chủ động xây dựng các phương án và kế hoạch tiêu thụ nông sản kịp thời. Đồng thời, tổng hợp khả năng dự trữ của các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản nông sản của các doanh nghiệp trên địa bàn. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan trong việc triển khai các hoạt động kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản mùa vụ của địa phương”, đại diện Sở NNPTNN Đắk Lắk nói.

Nguồn: Tin Tức Nông Nghiệp

BÀ CON XEM THÊM MỘT SỐ BÀI VIẾT KHÁC TẠI ĐÂY.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận